.

Hai thách thức nghiêm trọng

Cộng đồng quốc tế đang đứng trước 2 thách thức vô cùng nghiêm trọng đe dọa sự sống của hàng trăm triệu người là tình trạng bỏ nhà đi lánh nạn và đất trồng lương thực bị thu hẹp.

Báo cáo mới đây của Hội Chữ thập đỏ quốc tế cho biết, hơn 72 triệu người (hơn 1% dân số) đang phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trên khắp thế giới. Báo cáo cũng cho biết, trong năm 2011 có tới 336 thảm họa gây thiệt hại 365,5 tỷ USD cho các nước. Hơn phân nửa số tổn thất đó phát sinh từ vụ động đất và sóng thần ở Fukushima (Nhật Bản) hồi tháng 3-2011. Hội Chữ thập đỏ quốc tế cho rằng, những con số trên tuy lớn nhưng không làm mọi người xúc động bằng việc ngày càng có nhiều người phải rời bỏ nhà cửa vì những yếu tố như chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, thiên tai, nghèo đói và những sự thay đổi của môi trường.

Trong số hơn 72 triệu người di dân phi tự nguyện, LHQ ước tính chỉ 15 triệu người được xem là người tị nạn - những người phải bỏ chạy vì các cuộc xung đột vũ trang. Trong 25 năm qua, chiến tranh đã giảm bớt và số người chết trong các cuộc nội chiến chỉ bằng 1/4 con số của những năm 1980. Mặc dù vậy, các cuộc bạo động và xung đột vẫn ảnh hưởng tới 25% số người trên toàn cầu.

Người đứng đầu Đơn vị Di dân của Hội Chữ thập đỏ quốc tế, bà Sue Lemesurier, đã làm việc với người tị nạn và người di cư trong 20 năm qua, cho biết bà đã chứng kiến sự đau đớn và thống khổ của phụ nữ và trẻ em, đàn ông, người lớn tuổi và người tàn tật bị thất tán vì những thảm họa không do họ gây ra. Bà Lemesurier nhấn mạnh: “Nhiều người trong số những người di dân này đã đến điểm đích mới của họ trong tình trạng vô cùng quẫn bách. Các em bé, đặc biệt là những em không đi cùng cha mẹ hay người trong gia đình, thường bị chấn thương nặng sau khi trải qua nhiều nỗi khốn khó trên đường đi. Có một điều cực kỳ thiết yếu là khi các em đó tới nơi, các Chính phủ và cộng đồng cần phải mang lại cho các em sự hỗ trợ tâm lý, tư vấn và những trợ giúp nhân đạo khác”.

Một thách thức khác là tình trạng đất trồng lương thực ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng tới 870 triệu người bị đói triền miên và không suy giảm trong 10 năm qua. Xu hướng này đang ngày càng mạnh trong 5 năm trở lại đây, khoảng thời gian ghi đậm dấu ấn của nạn thiếu đói: các vụ nổi dậy ở một số nước do đói khổ vào năm 2008, hai cuộc khủng hoảng lương thực ở khu vực Sahel của châu Phi và nạn đói ở Somalia vừa qua.

Nguyên nhân của tình trạng bi đát này do khủng hoảng kinh tế, việc phát triển ào ạt ngành công nghiệp năng lượng sinh học, giá nguyên liệu nông nghiệp tăng và nạn đầu cơ gắn liền với việc tăng giá nguyên liệu, thiên tai... Tất cả những nguyên nhân này đe dọa đến an ninh lương thực thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển. Nhưng theo các nhà quan sát, nguyên nhân gây thiếu lương thực hàng đầu là tình trạng đất trồng lương thực ở một số nước bị trưng dụng cho các dự án công nghiệp năng lượng sạch, tức thu đất trồng lúa để giao cho các nhà đầu tư trồng bắp hay mía để sản suất Ethanol chẳng hạn.

Không chỉ có nạn đói đang đe dọa nhân loại, thực tế, bên cạnh những người kém may mắn ăn không đủ no, còn có tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu sinh tố và khoáng chất giúp cơ thể tăng trưởng. Con số nạn nhân này không dưới 1,5 tỷ người. Một trong những yếu tố tạo ra tình trạng suy dinh dưỡng là thực phẩm lên giá khiến hàng tỷ người nghèo phải giảm khẩu phần ăn.

Để đối phó với hai thách thức nói trên, LHQ đã đề nghị một số biện pháp bao gồm những hình thức linh hoạt hơn về quốc tịch, bảo đảm hỗ trợ cần thiết cho người di dân để tìm việc làm và giúp những người này hội nhập vào cộng đồng mới của họ. Ngoài ra, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) đề nghị trợ giúp các tiểu nông, nạn nhân đầu tiên của giá nông phẩm gia tăng. Đại hội đồng LHQ đã chọn năm 2012 để phát động chiến dịch “Hợp tác xã trên thế giới” nhằm hỗ trợ tiểu nông hiện đơn độc trước 3 mối đe dọa: thời tiết biến đổi, áp lực của thị trường và giá cả.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.