.

Hàn - Trung xem xét luật đánh bắt cá

.

Vụ 30 tàu cá Trung Quốc xâm nhập lãnh hải của Hàn Quốc dẫn đến cuộc đụng độ trên Hoàng Hải, làm một ngư dân Trung Quốc thiệt mạng, đặt ra vấn đề cho cả hai nước: Luật đánh bắt cá cần nghiêm hơn.

Chính phủ Hàn Quốc ngày 18-10 cho biết, nước này và Trung Quốc đang thúc đẩy quy định đối với các tàu cá bị bắt giữ do đánh bắt trái phép ở vùng biển của quốc gia khác.

Các ngư dân Trung Quốc bị lực lượng tuần duyên Hàn Quốc bắt giữ (ảnh trái) sau khi sử dụng dao và những dụng cụ khác để tấn công các nhà chức trách.  Ảnh: Yonhap
Các ngư dân Trung Quốc bị lực lượng tuần duyên Hàn Quốc bắt giữ (ảnh trái) sau khi sử dụng dao và những dụng cụ khác để tấn công các nhà chức trách. Ảnh: Yonhap

Hàn Quốc muốn bắt 11 ngư dân Trung Quốc

Hiện tại, các tàu bị bắt giữ trong lúc đánh bắt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác bị cấm tiến vào những khu vực như thế trong 3 năm. Quy định này được đưa ra trong năm nay sau thỏa thuận tại cuộc họp thường niên của Ủy ban Hợp tác ngư nghiệp Hàn Quốc - Trung Quốc vào năm 2011. Bộ Lương thực, Nông-lâm-ngư nghiệp Hàn Quốc cho hay, cuộc họp của Ủy ban trên đã được tổ chức vào đầu tháng 10 này. Theo đó, cả hai bên đều thống nhất thúc đẩy quy định, tạm cấm các tàu đánh bắt trái phép ở EEZ của nước khác.

Thêm vào đó, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ đưa ra hệ thống kiểm tra tất cả các tàu cá vào và ra EEZ, cụ thể là kiểm tra về lượng cá mà các tàu đánh bắt thực tế so với lượng cá được phép đánh bắt.

Hãng Yonhap cho hay, những thay đổi trên chính thức được công bố trong lúc căng thẳng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc sau vụ đụng độ làm ngư dân 44 tuổi thiệt mạng do bị bắn bằng súng cao su.

Lực lượng tuần duyên biển của Hàn Quốc ngày 18-10 cho biết, nước này đang tìm kiếm lệnh bắt 11 ngư dân Trung Quốc bị cáo buộc đánh cá bất hợp pháp trong vùng lãnh hải của Hàn Quốc. Những người này bị tình nghi dùng bạo lực chống lại các nhà chức trách trong một chiến dịch trên biển Hoàng Hải. Trong đó, do một ngư dân Trung Quốc đã dùng dao tấn công lính tuần duyên Hàn Quốc nên lực lượng này phải nổ súng. Ngư dân này đã chết khi được đưa đến bệnh viện. Seoul cũng bắt giữ 23 ngư dân Trung Quốc để thẩm vấn.

Yonhap cũng cho hay, mỗi năm, hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tàu cá Trung Quốc tiến vào lãnh hải của Hàn Quốc để đánh bắt bất hợp pháp. Từ năm 2001 đến nay, số tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển Hàn Quốc lên đến hơn 4.600 tàu.

Bảo vệ biên giới biển

Ngày 18-10, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã bất ngờ đến thăm hòn đảo Yeonpyeong gần biên giới Hoàng Hải căng thẳng với CHDCND Triều Tiên từng bị Bình Nhưỡng nã pháo vào tháng 11-2010. Đây là lần đầu tiên ông Lee Myung-bak đến thăm đảo Yeonpyeong. Trong lúc đó, có những cáo buộc về việc người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, đã phát biểu tại một Hội nghị thượng đỉnh vào năm 2007 với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên lúc bấy giờ là ông Kim Jong-il rằng, Hàn Quốc không có đường biên giới biển (vốn được biết là Đường Giới hạn phía Bắc - NLL vạch ra sau khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc).

Hãng Yonhap dẫn lời Tổng thống Lee Myung-bak kêu gọi quân đội bảo vệ NLL. “Đây là cách để bảo vệ hòa bình. Bảo vệ đường biên giới tốt là đóng góp vào việc giữ vững hòa bình. Thêm vào đó, còn bảo vệ cuộc sống và sự an toàn cho người dân của chúng ta”, ông nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo này còn tuyên bố nếu CHDCND Triều Tiên khiêu khích Hàn Quốc thì Seoul sẽ đáp trả mạnh mẽ.

CHDCND Triều Tiên không công nhận NLL. Tháng 3-2010, căng thẳng giữa Seoul và Bình Nhưỡng lên đến đỉnh điểm sau vụ đắm tàu chiến của Hàn Quốc làm 46 thủy thủ thiệt mạng và đến tháng 11-2010 là vụ nã pháo lên đảo Yeonpyeong.

Chuyến thăm Yeonpyeong của Tổng thống Lee Myung-bak diễn ra đúng vào ngày Hàn Quốc tuyên bố bắt đầu tập trận quân sự Hoguk quy mô lớn từ ngày 25-10 tới và kéo dài một tuần nhằm đối phó đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. 240.000 binh sĩ quân đội, hải quân, không quân, lính thủy đánh bộ và cảnh sát cùng khoảng 500 lính Mỹ tham gia cuộc tập trận này.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.