.

Mỹ lo ngại an ninh cho các nhà ngoại giao

.

Cái chết của nhà ngoại giao Mỹ vào tháng trước tại thành phố Benghazi (Libya) trở thành một trong những vấn đề “nóng” tại chiến dịch tranh cử Tổng thống.

Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton có mặt tại lễ đưa linh cữu đại sứ Chris Stevens và 3 người Mỹ từ Libya về nước.   Ảnh: Reuters
Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton có mặt tại lễ đưa linh cữu đại sứ Chris Stevens và 3 người Mỹ từ Libya về nước. Ảnh: Reuters

Tối 15-10 (sáng 16-10, giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhận trách nhiệm về cái chết của đại sứ Chris Stevens và 3 người Mỹ trong vụ tấn công vào đúng ngày 11-9 ở Benghazi. Ngoại trưởng khẳng định việc bảo đảm an toàn cho các nhà ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài là công việc của bà, chứ không phải của Nhà Trắng. Trả lời phỏng vấn Hãng CNN và các kênh truyền hình Mỹ, bà Clinton cho biết, bà phụ trách Bộ Ngoại giao gồm 60.000 người với 275 cơ quan ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới. Và vì vậy, Tổng thống Barack Obama cùng Phó Tổng thống Joe Biden không có trách nhiệm trong những chỉ thị an ninh đặc biệt đối với các cơ sở ngoại giao của Mỹ.

Hãng AP dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, trong lúc Đảng Cộng hòa ra sức chỉ trích Tổng thống Barack Obama về vụ tấn công đại sứ ở Benghazi, bà Clinton muốn tạo dựng hình ảnh tốt đẹp cho ông chủ Nhà Trắng, để khôi phục lại vị trí dẫn đầu tỷ lệ ủng hộ. Ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa, ông Mitt Romney, muốn tận dụng những thất bại trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama, cụ thể là vụ tấn công ở Benghazi, để công kích đối thủ trước thềm cuộc bầu cử vào ngày 6-11 tới và trước cuộc tranh luận lần thứ hai ở New York.

Song, Ngoại trưởng Clinton chỉ lý giải rằng, vụ tấn công ở Libya chỉ là kết quả “sương mù của chiến tranh”. Ông Romney chỉ trích Nhà Trắng không những không bảo đảm an ninh cho các nhà ngoại giao Mỹ mà còn xuyên tạc bản chất của vụ tấn công.

Trong cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên Phó Tổng thống Joe Biden và Paul Ryan, Phó Tổng thống đương nhiệm nói rằng, Chính phủ đã không biết đến yêu cầu của các nhà ngoại giao Mỹ tại Libya là cần hỗ trợ thêm an ninh. Theo AP, tuyên bố này mâu thuẫn với điều trần trước Quốc hội của các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ diễn ra chỉ 2 ngày trước đó.

Quốc hội Mỹ đang gia tăng áp lực với Bộ Ngoại giao, yêu cầu cơ quan này phải công bố thông tin về vụ tấn công. Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton cũng cam kết điều tra vụ việc. Thực tế, đã có 3 cuộc điều tra riêng rẽ do 3 cơ quan thực hiện (do Cục Điều tra Liên bang Mỹ - FBI, do một ủy ban độc lập được bà Clinton chỉ định và Quốc hội tiến hành các phiên điều trần). Báo cáo ban đầu nhận định: Nguyên nhân vụ bạo lực do một nhóm người biểu tình tự phát phản đối bộ phim Mỹ báng bổ Hồi giáo và đấng tiên tri Mohammed thực hiện. Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice cũng cho rằng, vụ việc không được lên kế hoạch trước, trong khi Nhà Trắng vẫn khăng khăng vụ tấn công có chủ ý và sự phối hợp.

Trong một tuyên bố, các thượng nghị sĩ John McCain của bang Arizona, Lindsey Graham của bang Nam Carolina và Kelly Ayotte của bang New Hampshire đều cho rằng: “Nếu Tổng thống không thật sự biết được mức độ đe dọa đang gia tăng ở Benghazi, chúng tôi mất niềm tin vào đội ngũ an ninh quốc gia của ông”.

Kết quả thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos cho thấy, trong số 1.092 cử tri được hỏi, có 47% nói rằng sẽ bỏ phiếu cho ông Obama, trong khi 45% bỏ phiếu cho ông Romney. Trước đó, cũng theo thăm dò của Reuters/Ipsos, tỷ lệ dành cho 2 ứng viên Tổng thống lần lượt là 44% và 47%. Cuộc tranh luận sắp tới sẽ diễn ra ở Đại học Hofstra (Hempstead, New York).

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.