.

Người Hy Lạp không chào đón bà Merkel

.

Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Hy Lạp vào ngày 9-10 gặp phải phản ứng của những người biểu tình vì cho rằng, bà mang đói nghèo đến cho Athens.

Những người biểu tình tập trung trước Tòa nhà Quốc hội Hy Lạp và cho rằng, Thủ tướng Angela Merkel mang đói nghèo đến Athens.                           Ảnh: AP
Những người biểu tình tập trung trước Tòa nhà Quốc hội Hy Lạp và cho rằng, Thủ tướng Angela Merkel mang đói nghèo đến Athens. Ảnh: AP

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Angela Merkel đến Hy Lạp để hội đàm với Thủ tướng Antonis Samaras và Tổng thống Karolos Papoulias kể từ khi khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) rơi vào khủng hoảng cách đây 3 năm.

Thủ tướng Samaras đã đón bà Merkel tại sân bay. Tuy Chính phủ Hy Lạp xem đây là cơ hội lịch sử, là bước đi tích cực đối với tương lai của đất nước này nhưng những người biểu tình thì xem sự hiện diện trong 6 tiếng đồng hồ của bà Merkel là dấu hiệu của “thắt lưng buộc bụng” và thời kỳ khó khăn hơn. Các nhà phân tích cho rằng, với nhiều người Hy Lạp, bà Merkel là tác giả của chính sách “thắt lưng buộc bụng”.

Hãng AP cho biết, khoảng 8.000 người biểu tình đã tập trung, hô vang khẩu hiệu chống “thắt lưng buộc bụng” và giơ cao những băng-rôn, biểu ngữ cảnh báo không chào đón Thủ tướng Merkel tại Hy Lạp: “Đừng khóc vì chúng tôi, Angela”, “Angela, bà không được chào đón”. Các giáo viên, bác sĩ và các lực lượng lao động khác ngừng làm việc để tham gia biểu tình. Trong khi đó, các nghiệp đoàn và những đảng đối lập đều xác nhận việc họ xuống đường.

Chính phủ Athens phải điều động hơn 7.000 cảnh sát để ngăn chặn các cuộc biểu tình. An ninh ở thủ đô được thắt chặt. Nhiều chính trị gia hàng đầu của châu Âu cũng tránh đến Hy Lạp trong lúc Athens đang chèo chống, thực hiện cam kết cần thiết để bảo đảm nhận các gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời ở lại trong khối eurozone. Hy Lạp đang nỗ lực thông qua tiết kiệm mới trị giá 13,5 tỷ euro (17,5 tỷ USD). Nếu không có đợt viện trợ 31,5 tỷ euro sắp tới, Hy Lạp nói rằng nước này sẽ hết tiền vào cuối tháng 11.

Ngày 8-10, Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính eurozone, ông Jean-Claude Juncker, gia tăng áp lực với Hy Lạp. Ông Juncker kêu gọi Athens phải thể hiện việc thực thi các cam kết cải cách trước ngày 18-10 tới để nhận được gói giải cứu tiếp theo.

Nữ Thủ tướng Đức - nước đóng góp tài chính lớn nhất châu Âu trong việc cứu trợ - đã nhận lời mời của người đồng cấp Samaras và đến Athens. Trong những tháng gần đây, bà Merkel tỏ ra mềm mỏng hơn trong vấn đề nợ của Hy Lạp. Reuters cho biết, nhà lãnh đạo của Đức có nhiều lý do để đến Athens. Trong đó, bà muốn bày tỏ sự ủng hộ Thủ tướng Samaras khi ông đang nỗ lực tiết kiệm nhiều hơn sau 5 năm suy thoái của nước này.

Người phát ngôn của Chính phủ Athens Simos Kedikoglou nói rằng, chuyến thăm của bà Merkel là thông điệp niềm tin vào Chính phủ và nền kinh tế Hy Lạp. Phát biểu tại cuộc họp báo vào chiều 9-10, Thủ tướng Merkel khẳng định bà muốn giữ Hy Lạp ở lại khối eurozone. Điều quan trọng hơn nữa là trong vòng một năm trước khi Đức tiến hành bầu cử, bà Merkel hy vọng sẽ hóa giải được những chỉ trích của phe đối lập rằng bà đã bỏ rơi Hy Lạp và góp phần làm tình hình trở nên xấu hơn bằng chủ trương cắt giảm ngân sách.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.