.

Obama - Romney trước giờ G

.

Chính sách ngoại giao, tình hình Trung Đông và chống khủng bố là những nội dung chính trong cuộc tranh luận thứ ba và cũng là lần tranh luận cuối cùng giữa đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama và ứng viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney trước khi chính thức lựa chọn chủ nhân của Nhà Trắng.

Tổng thống Barack Obama (bìa phải) và ứng viên Mitt Romney sẽ “khẩu chiến” về chính sách đối ngoại.                                                               Ảnh: Reuters
Tổng thống Barack Obama (bìa phải) và ứng viên Mitt Romney sẽ “khẩu chiến” về chính sách đối ngoại. Ảnh: Reuters

Cuộc tranh luận sẽ diễn ra tại Boca Raton, bang Florida vào tối 22-10 (sáng 23-10, giờ Việt Nam). Đây là cơ hội cuối để mỗi ứng viên thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình trước khi bầu cử vào ngày 6-11 tới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Thống đốc bang Massachussetts chứng minh với cử tri rằng, Tổng thống Obama không có một kế hoạch hành động nào cho tương lai, cho nước Mỹ và cho nhiệm kỳ 2. Trong khi đó, ông Obama sẽ thuyết phục cử tri về một “giấc mơ Mỹ” và phác họa được chân dung Romnesia (tạm dịch: hội chứng Romney) mà ông đã đề cập trong buổi vận động tranh cử ở bang Virginia vào ngày 20-10 vừa qua, với hàm ý rằng ứng viên của Đảng Cộng hòa thường xuyên thay đổi quan điểm.

Báo Christian Science Monitor đặt câu hỏi rằng, cuộc tranh luận về chính sách ngoại giao giữa ông Obama và ông Romney quan trọng như thế nào? Cũng theo báo này, cách đây vài tuần, không ai có thể đoán được kết quả cuộc chạy đua giữa 2 ứng viên cho đến khi ông Romney vượt lên với chiến thắng từ cuộc tranh luận đầu tiên. Nhưng sau đó Obama lại vượt lên, cân bằng tỷ số 1-1.

Có nhiều lý do dẫn “cuộc đua song mã” sít sao này cũng như việc khó suy đoán kết quả. Thứ nhất, ông Romney giành chiến thắng ở cuộc tranh luận lần 1, thua ở vòng 2 và không có ưu thế về chính sách đối ngoại để có thể chiến thắng ở vòng 3 này. Thứ hai, hầu hết cử tri Mỹ có thể lo lắng về vấn đề kinh tế trước hết, nhưng chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia cũng quan trọng không kém. An ninh của Israel, chương trình hạt nhân Iran, tiền tệ của Trung Quốc, khủng hoảng ở Syria và chắc chắn vụ đại sứ Mỹ tại Libya thiệt mạng đều trở thành những vấn đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử. Những vấn đề này gây áp lực không ít cho Tổng thống đương nhiệm. Song, về phía ông Romney cùng ứng viên Phó Tổng thống của Đảng Cộng hòa Paul Ryan, thì cả hai không có kinh nghiệm trong chính sách chính trị và đây chính là điểm yếu để đảng này có được tấm vé vào Nhà Trắng.

Trong khi đó, chính sách đối ngoại là điểm mạnh của Tổng thống Obama, nhất là khi ông quyết định rút các binh sĩ Mỹ khỏi Iraq, đồng thời thực hiện thành công chiến dịch tìm diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Nhưng các nội dung khác đang diễn ra hoặc chưa thành công sẽ là mục tiêu công kích của đối thủ Romney: tình hình Trung Đông, quan hệ với đồng minh Israel, chương trình hạt nhân của Iran… Cụ thể, Reuters cho biết, ông Romney sẽ tập trung chỉ trích các chính sách của Tổng thống đối với Iran, Israel, Syria, Trung Quốc, Afghanistan và Nga.

Hầu hết các thăm dò trước thềm tranh luận đều cho thấy Tổng thống Obama và đối thủ Romney đang cạnh tranh quyết liệt tại các bang chủ chốt là Florida, Ohio và Virginia. Theo Báo Wall Street Journal và Hãng NBC News, tỷ lệ ủng hộ dành cho cả hai ngang ngửa nhau, khoảng 47%. Với cử tri nam, vị Thống đốc bang Massachussetts được sự ủng hộ nhiều hơn, tỷ lệ 53% và 43% dành cho ông Obama. Với cử tri nữ, Tổng thống Obama lại được yêu thích hơn, tỷ lệ 51% và 43% dành cho ông Romney. Riêng thăm dò của Viện Gallup cho thấy, ông Romney đang dẫn trước với tỷ lệ 52% và 45%. Thăm dò của Hãng nghiên cứu Pew về việc ứng viên nào có những quyết định về chính sách ngoại giao tốt hơn, thì 47% cử tri lựa chọn ông Obama và 43% chọn ông Romney.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.