.

Tàu Trung Quốc tiến vào biển Hoa Đông

.

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Nhật Bản, các tàu Trung Quốc vẫn xâm nhập vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông đang tranh chấp giữa 2 nước.

Tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và tàu hải giám Trung Quốc trên biển Hoa Đông.  							                    Ảnh: AP
Tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và tàu hải giám Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Ảnh: AP

Ngày 25-10, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, 4 tàu hải giám của Trung Quốc xuất hiện trong khu vực mà Tokyo xem là lãnh hải của mình và gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cụ thể, 4 tàu hải giám cách đảo Minamikojima 22km về phía Nam - Đông Nam. Minamikojima là một trong 5 đảo lớn thuộc Senkaku/Điếu Ngư mà cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.

Theo Atsushi Takahashi, người phát ngôn của JCG có trụ sở tại Naha, tỉnh Okinawa, các tàu này không chịu rời khỏi vùng biển trên. Tàu tuần tra của JCG đã phát tín hiệu yêu cầu các tàu Trung Quốc ra khỏi lãnh hải. Nhưng đáp lại, một trong các tàu hải giám phát tín hiệu rằng: “Vùng biển này là lãnh thổ của Trung Quốc”.

Ông Takahashi cũng nói rằng, đây là lần đầu tiên tàu của Trung Quốc tiến vào vùng biển tranh chấp kể từ ngày 3-10 đến nay. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối với Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa.

Hoạt động của tàu Trung Quốc ở gần Senkaku/Điếu Ngư diễn ra sau khi các quan chức ngoại giao cấp cao của cả Tokyo lẫn Bắc Kinh nhóm họp tại Thượng Hải để thảo luận về vấn đề tranh chấp.

Kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa 3/5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng trước, các tàu Trung Quốc thường xuất hiện gần khu vực này nhưng cách đảo trong phạm vi khoảng 22km.

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã xác nhận việc các tàu hải giám có mặt xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, người phát ngôn này cho rằng, đây là hoạt động tuần tra nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và cũng là hoạt động thường xuyên để thực thi quyền tài phán tại vùng biển Hoa Đông.

Hãng Kyodo dẫn lời Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura phát biểu tại buổi họp báo ở Tokyo bày tỏ sự đáng tiếc và nói rằng, các nhà chức trách Nhật Bản sẽ tiếp tục thu thập thông tin. “Đây không phải là vấn đề có thể được giải quyết trong một hoặc hai ngày, nhưng Nhật Bản muốn có cuộc đối thoại kiên nhẫn”, ông Fujimura nói.

Một ngày trước đó, trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã thúc giục Nhật Bản ngay lập tức ngừng tất cả hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời có những động thái sửa sai và trở lại bàn đàm phán để giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề Senkaku/Điếu Ngư.

Trong một diễn biến khác, Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara ngày 25-10 đã từ chức để thành lập một đảng chính trị mới trước thềm tổng tuyển cử. Theo giới quan sát, ông Ishihara muốn thách thức 2 đảng lớn: Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) khi tỷ lệ ủng hộ Chính phủ của Thủ tướng Yoshihiko Noda hiện chỉ ở mức 20%. Hồi đầu năm nay ông Ishihara đã thu hút sự chú ý của dư luận, góp phần khơi thêm tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc khi chính quyền thành phố Tokyo muốn dùng tiền quyên góp để mua lại đảo Senkaku/Điếu Ngư.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.