Ngày 7-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60. Đây là sinh nhật thứ 13 kể từ khi ông giữ các trọng trách trong Chính phủ Nga, bắt đầu bằng vị trí Thủ tướng vào năm 1999 đến cương vị Tổng thống ngày nay.
Tổng thống Putin phát biểu tại hội nghị đầu tư ở Mátxcơva ngày 2-10. Ảnh: Reuters |
Thăm dò mới nhất do các hãng thông tấn Nga thực hiện vào tháng 9 vừa qua cho thấy, Tổng thống Putin được 67% cử tri ủng hộ. Đồng thời, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông cao hơn hầu hết các chính trị gia phương Tây. Tuy nhiên, theo kết quả do một số hãng thực hiện, con số này có sự giảm sút. Thăm dò của Hãng độc lập Levada vào tháng 8 cho thấy, 48% người Nga có cái nhìn tích cực đối với Tổng thống của mình, so với con số 60% vào tháng 5 - thời điểm ông bắt đầu nhiệm kỳ mới 6 năm. Điều thú vị là theo một thăm dò được thực hiện trong tuần qua, trong 5 phụ nữ Nga thì có một người nói rằng rất hạnh phúc nếu được kết hôn với ông Putin.
Những ngày qua, người dân Nga cũng rộn ràng chuẩn bị nhiều hoạt động để kỷ niệm sinh nhật của ông, trong đó có hòa nhạc ngay tại quê nhà St Petersburg của ông, rồi cả tuần hành, thậm chí có triển lãm ảnh mang tên “Tổng thống: Người đàn ông có trái tim nhân hậu nhất”... Điều này minh chứng rằng, sau hơn 13 năm, ông Putin vẫn là nhà lãnh đạo được đông đảo người dân Nga yêu mến, dành nhiều tình cảm nồng ấm nhất, mặc dù sau cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối năm ngoái, thắng lợi của Đảng Nước Nga thống nhất đã làm dấy lên làn sóng biểu tình tại đất nước này. Không ít các nhà quan sát bình luận rằng, nước Nga đang có sự chia rẽ sau 2 nhiệm kỳ Tổng thống và một nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Putin.
Reuters cho biết, khi trở lại Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã phản ứng với những cuộc biểu tình bằng cách thúc đẩy thông qua các luật, trong đó có việc thắt chặt các quy định về biểu tình nơi công cộng, đồng thời tăng tiền phạt gấp nhiều lần đối với những người biểu tình trái phép. Boris Nemtsov, một lãnh đạo đối lập, cho rằng ông Putin nỗ lực tiếp tục các chính sách của cựu Tổng thống Boris Yeltsin. Tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ điều này và thực tế, ông Putin vẫn có rất nhiều “người hâm mộ”.
Theo AP, “di sản” 13 năm nắm quyền của ông Putin là một nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào dầu và khí đốt. Đây là thách thức lớn đối với Điện Kremlin và cá nhân Tổng thống Putin trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhất là khủng hoảng nợ công lan rộng ở châu Âu. Nhiều chuyên gia kinh tế và phân tích chính trị cảnh báo mối đe dọa trước mắt đối với ông Putin không phải là phe đối lập mà chính là việc nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. Nhà lãnh đạo của Nga đã cam kết giảm sự phụ thuộc này, khuyến khích các ngành công nghiệp công nghệ cao, tạo động lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện môi trường đầu tư... Song, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt hiện vẫn chiếm phần lớn trong ngân sách quốc gia. Trong khi đó, tệ quan liêu, tham nhũng đang làm các nhà đầu tư quan ngại và cản trở kinh tế phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc ông chủ Điện Kremlin phải tìm cách giải quyết tất cả những tồn tại để tiếp tục khẳng định vị thế của nước Nga trên trường quốc tế.
Nhiều nhà phân tích nói rằng, Tổng thống Putin sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ 6 năm nữa khi ông kết thúc công việc tại Điện Kremlin vào năm 2018. Hiện vẫn chưa có đối thủ rõ ràng nào có thể cạnh tranh với ông, nhất là khi cựu điệp viên KGB này vẫn chiếm vị trí vững chắc trong lòng người dân ở đất nước có 140 triệu người.
VĨNH AN