.
Thế giới tuần qua

EU với chặng đường phía trước

.

Giải thưởng Nobel Hòa bình cho Liên minh châu Âu (EU) được công bố bất ngờ vào cuối tuần qua tạo ra những phản ứng trái chiều. Điều đáng nói là lục địa già cỗi nhận giải thưởng cao quý này trong lúc đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng nhất.

Các vũ công trong trang phục xanh, ngôi sao vàng – biểu tượng cờ EU diễu hành trên đường phố Paris (Pháp).                                 Ảnh: Reuters
Các vũ công trong trang phục xanh, ngôi sao vàng – biểu tượng cờ EU diễu hành trên đường phố Paris (Pháp). Ảnh: Reuters

Giới quan sát đã lý giải rằng, với việc lựa chọn EU làm chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2012, Ủy ban Nobel muốn khắc phục thiếu sót lớn nhất trong quá khứ: lục địa này lẽ ra đã được tôn vinh từ rất lâu thì lại bị Ủy ban Nobel bỏ quên. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho rằng: “EU là dự án đặc biệt đã thay thế chiến tranh bằng hòa bình, hận thù bằng thống nhất”. Chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland khẳng định: EU và các tổ chức tiền thân đã đóng góp cho hòa bình, hòa giải, dân chủ và nhân quyền suốt 60 năm qua. Cụ thể, EU đã đem lại hòa bình cho châu Âu bằng việc biến Đức và Pháp - 2 cựu thù thời Thế chiến thứ hai thành các đối tác thân cận. EU cũng đã mở rộng vòng tay với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp sau khi chế độ độc tài ở các quốc gia này sụp đổ.

Vấn đề đặt ra là chặng đường phía trước của EU như thế nào. Sau giải thưởng Nobel Hòa bình, “dự án đặc biệt” (theo cách gọi của ông Schulz) có tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình hay không, nhất là trong các vấn đề hiện nay: chương trình hạt nhân của Iran, khủng hoảng ở Syria - 2 vấn đề đều có sự can thiệp của các nước châu Âu và nhiều khả năng dẫn đến chiến tranh.

Rồi điều khiến cả thế giới quan tâm là những thách thức kinh tế nghiêm trọng hơn bao giờ hết mà khối 27 thành viên đang đối mặt. Những thách thức này đã và đang dẫn đến cả sự chia rẽ lẫn sự mong manh trong EU, nhất là trong khối 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Nhiều người quan ngại về sự thịnh vượng của EU khi khủng hoảng nợ công đang làm hàng triệu người thất nghiệp. Hy Lạp lại đang đứng bên bờ vỡ nợ, cạn tiền vào cuối tháng 11 tới và có thể phải rời eurozone. Suốt tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras phải gặp gỡ những đại diện của các nước cho vay, với hy vọng đạt được một thỏa thuận trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU vào tuần này. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã lên tiếng ủng hộ việc cho Athens thêm 2 năm để đáp ứng các mục tiêu gói giải cứu.

Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực trên vẫn không xua tan những hoài nghi về một châu Âu bền vững, cường thịnh. Người dân châu Âu không ủng hộ chính sách “thắt lưng buộc bụng” của các chính phủ, dẫn đến những rạn nứt ngay trong nội tại của các nước đang chờ được rót tiền. Thật sự không thể không lo ngại khi tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp là 25,1% - mức cao kỷ lục; trong đó có hơn 50% thanh niên trong độ tuổi lao động thất nghiệp.

Dù Pháp và Đức ngày càng xích lại gần nhau, nhất là trong những nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ công cho eurozone, nhưng 2 nhà lãnh đạo từ Paris và Berlin không thể hàn gắn được chia rẽ sâu sắc của EU và cũng không xoa dịu được làn sóng biểu tình trên đường phố Athens của Hy Lạp, hay Madrid của Tây Ban Nha. Bức tranh của EU được phác họa rõ nét với một bên là miền Nam chìm trong nợ nần, một bên là miền Bắc giàu có. Vì vậy, thành viên Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Đảng Độc lập nước Anh Nigel Faragel có cơ sở khi cho rằng, “người Na Uy thực ra cũng có khiếu hài hước” (hàm ý mỉa mai Ủy ban Nobel).

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.