.
Thế giới tuần qua

Libya với một năm khủng hoảng

.

Tròn một năm sau cái chết của ông Muammar Gaddafi (20-10-2011–20-10-2012), Libya vẫn loay hoay với bao khó khăn. Các nhà chức trách của Chính phủ mới không dễ gì ổn định tình hình đất nước sau 40 năm ông Gaddafi nắm quyền. “Di sản” mà ông Gaddafi để lại là một quốc gia tràn ngập vũ khí, các cuộc giao tranh và mâu thuẫn giữa các bộ tộc.

Một bộ tộc ở Bani Walid biểu tình yêu cầu Chính phủ không can thiệp vào khu vực này.                                                                                                           Ảnh: Reuters
Một bộ tộc ở Bani Walid biểu tình yêu cầu Chính phủ không can thiệp vào khu vực này. Ảnh: Reuters

Các báo cáo dù chưa được kiểm chứng độc lập nhưng đều phản ánh cuộc khủng hoảng kéo dài trong một năm qua, đẩy Libya vào sự chia rẽ sâu sắc. Chính phủ mới không áp dụng chính sách “chia để trị” như thời ông Gaddafi nữa nhưng mối quan hệ thù địch, chồng chéo giữa các bộ tộc, các địa phương như ngọn lửa âm ỉ và nay bùng cháy. Căng thẳng gia tăng khi xảy ra giao tranh đẫm máu giữa các lực lượng đối lập tại thành phố Bani Walid, vốn là thành trì của ông Gaddafi.

Bani Walid, cách thủ đô Tripoli 140km về phía Đông Nam, là thành phố lớn cuối cùng ở Libya thất thủ trong cuộc nổi dậy hồi năm ngoái. Trong một năm qua, bạo lực vẫn nổi lên tại đây, thậm chí vào thời điểm người dân Libya ăn mừng một năm ngày ông Gaddafi bị lật đổ và bị tiêu diệt ở gần thị trấn quê nhà Sirte.

Trong vụ giao tranh mới nhất, Khamis - con trai của ông Gaddafi cũng đã thiệt mạng.

Những vụ đụng độ giữa lực lượng ủng hộ ông Gaddafi với quân đội Libya xảy ra rải rác khắp Libya cho dù nước này đã tổ chức bầu cử hội đồng quốc gia gồm 200 thành viên một cách êm thấm. Chính phủ Trung ương vì thế vẫn non yếu.

Chủ tịch Quốc hội Libya, ông Mohammed Megarief, thừa nhận đất nước này chưa được giải phóng hoàn toàn. Đâu đó có vẫn còn những người trung thành với chế độ Gaddafi đang lẩn trốn với âm mưu gây ra xung đột để trả đũa. “Cuộc chiến giải phóng đất nước vẫn chưa thật sự hoàn rất”, ông Megarief nhấn mạnh. Đồng thời, nhà lãnh đạo này nói thêm rằng, những trì hoãn trong việc thành lập quân đội, cảnh sát; những trở ngại trong việc vây ráp và đoàn kết những người nổi dậy cũng là nguyên nhân dẫn đến một năm bất ổn với Libya.

Đối với nhiều người chống lại Gaddafi, không thể có một Libya mới khi còn các tàn tích cuối cùng của chế độ cũ như cựu phát ngôn viên của Chính phủ Moussa Ibrahim hay chưa kiểm soát được thị trấn Bani Walid. Ông Ibrahim đã bị bắt giữ vào ngày 20-10 tại thị trấn Tarhouna, cách Tripoli 70km về phía Nam. Chưa rõ cáo buộc đối với Ibrahim như thế nào, nhưng các nhà chức trách nói rằng, ông bị cho là đã kích động bạo lực và tung tin giả.

Trong khi đó, ông Abdel-Basit al-Mzirig, cựu Thứ trưởng Bộ Tư pháp và hiện tham gia vào Hội đồng nhân quyền ở Libya nói rằng, mọi thứ không thật sự chuyển động đúng hướng cho đến khi kiểm soát được Bani Walid bởi những xung đột, những bất ổn sẽ ngăn cản một đất nước Libya mới.

Cuộc nổi dậy lật đổ ông Gaddafi vào năm ngoái với sự hỗ trợ của NATO trở thành một nội dung trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, sau vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi làm Đại sứ Chris Stevens thiệt mạng. Sau cái chết của ông Stevens, người dân Libya và trên thế giới thấy rằng, Chính phủ đoàn kết dân tộc đã và đang làm việc không hiệu quả.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.