.
TRANH CHẤP TRÊN BIỂN HOA ĐÔNG

Nhật Bản lo thiệt hại kinh tế

.

Nhật Bản cho rằng, quan hệ giữa nước này với Trung Quốc rất quan trọng nên dễ bị chệch hướng và ảnh hưởng đến kinh tế trong lúc xảy ra tranh chấp về lãnh thổ trên biển Hoa Đông.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bảo vệ Uotsuri, một đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư.   						Ảnh: Reuters
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bảo vệ Uotsuri, một đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters

Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Takehiko Nakao ngày 3-10 bày tỏ hy vọng căng thẳng giữa nước này với Trung Quốc sẽ không hủy hoại sự hợp tác của 2 cường quốc châu Á. Theo AP, các cuộc biểu tình chống Nhật Bản bùng phát ở Trung Quốc thời gian gần đây là một trong những điều tồi tệ nhất khi Tokyo và Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các cuộc biểu tình đã diễn ra sau khi Chính phủ Tokyo quốc hữu hóa 3/5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Mặc dù các nhà chức trách Trung Quốc đã dập tắt những cuộc biểu tình này nhưng 2 bên vẫn tiếp tục “khẩu chiến” với những chỉ trích gay gắt, trong đó có những cáo buộc về thương mại. Báo Wall Street Journal cho hay, các đại diện của một số ngân hàng thuộc Nhà nước Trung Quốc đã hoãn kế hoạch tham dự những cuộc gặp thường niên do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức vào tuần tới.

Thứ trưởng Nakao cho rằng, việc hoãn kế hoạch trên là đáng thất vọng. “Tôi thật sự thấy rất tiếc khi nghe thông tin”, ông Nakao nói. Song, vị quan chức này hy vọng những diễn biến mới sẽ không tác động đến quan hệ tài chính của 2 nước vốn đang có tiến triển với việc thúc đẩy sử dụng tiền của Nhật Bản và Trung Quốc, thay vì dùng đồng USD trong giao dịch quốc tế. Hai nước cũng thống nhất mua bán trái phiếu Chính phủ của mỗi bên. Trong khi đồng USD vẫn giữ vị trí trung tâm trong tài chính quốc tế, theo ông Nakao, việc Tokyo khuyến khích sử dụng tiền tệ địa phương sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và ngăn chặn các vấn đề giữa bối cảnh khủng hoảng.

Hãng AP dẫn lời Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản cho biết thêm, cùng với hội nghị của IMF và WB, các Bộ trưởng Tài chính của nhóm các nền kinh tế công nghiệp lớn G7 cũng sẽ nhóm họp tại Tokyo. Một trong những nội dung chính đặt ra là sự tăng trưởng chậm của Trung Quốc; bên cạnh đó là các vấn đề: khủng hoảng nợ châu Âu, cải cách IMF, hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu.

Cũng trong ngày 3-10, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng, phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cần sự đóng góp của cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc. Người đứng đầu IMF cảnh báo thế giới không thể để tình trạng căng thẳng giữa 2 nước leo thang do tranh chấp lãnh thổ. Cảnh báo của bà Lagarde được đưa ra khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giảm dự báo tăng trưởng của châu lục trong năm nay và năm tới với khuyến cáo rằng, khoảng thời gian tăng trưởng với 2 con số đã qua. Theo ADB, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng chỉ 7,7% trong năm nay và 8,1% trong năm 2013, so với mức tăng trưởng 9,3% vào năm ngoái.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, ngày 3-10, 3 tàu Hải giám của Trung Quốc lại tiến vào vùng biển của Nhật Bản, gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Cả ba tàu Hải giám xuất hiện quanh khu vực tranh chấp vào khoảng 12 giờ 30 và 12 giờ 50, đồng thời phớt lờ cảnh báo của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Trước đó, vào ngày 1-10, 6 tàu Hải giám của Trung Quốc cũng tiến đến gần Senkaku/ Điếu Ngư; và một ngày sau đó là sự hiện diện của 4 tàu. Tàu tuần tra của Nhật Bản đã yêu cầu các tàu của Trung Quốc phải rời khỏi khu vực tranh chấp nhưng không nhận được phản hồi nào. Ngay lập tức, Tokyo đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc thông qua kênh ngoại giao.

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba khẳng định sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Trung Quốc nhằm giảm căng thẳng giữa 2 nước. Song, ông Gemba nói rằng, tình hình có thể không tốt hơn.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.