.

Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân

.

Thứ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Pak Kil-yon cáo buộc Mỹ đã biến bán đảo Triều Tiên trở thành nơi nguy hiểm nhất trên thế giới bởi chỉ cần một tia lửa thì có thể châm ngòi cho cuộc chiến tranh hạt nhân.

Ông Kim Jong-un (thứ ba, từ phải sang) trong chuyến thăm các đơn vị quân đội phía Tây Nam Bình Nhưỡng tháng 8 vừa qua.                                    Ảnh: Reuters
Ông Kim Jong-un (thứ ba, từ phải sang) trong chuyến thăm các đơn vị quân đội phía Tây Nam Bình Nhưỡng tháng 8 vừa qua. Ảnh: Reuters

Phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên được đưa ra tại Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) ngày 1-10 (giờ địa phương). Là một trong số những người phát biểu cuối cùng tại cuộc họp của 193 thành viên, ông Pak Kil-yon đã lên tiếng ca ngợi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Vị quan chức ngoại giao của Bình Nhưỡng đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng, người dân Triều Tiên sẽ đoàn kết dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un sau khi ông Kim Jong-il qua đời vào tháng 12 năm ngoái.

Song, ông Pak Kil-yon nói rằng, do những chính sách thù địch tiếp diễn của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên nên sự đối đầu và căng thẳng vẫn bao trùm bán đảo Triều Tiên, vốn đang trở thành điểm nóng nguy hiểm nhất hành tinh, chỉ cần một tia lửa cũng có thể thổi bùng lên một cuộc chiến tranh hạt nhân. Theo ông, cuộc tập trận quân sự mới nhất vào tháng 8 vừa qua với sự tham gia của hơn 80.000 binh sĩ Mỹ, Hàn Quốc cùng 7 nước khác chẳng khác gì đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đến bên bờ chiến tranh.

Đề cập đến chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao Pak Kil-yon khẳng định, đó là vũ khí mạnh mẽ nhất để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ông cũng cam kết sử dụng sự răn đe quân sự của CHDCND Triều Tiên để chống lại bất kỳ hành động khiêu khích liều lĩnh nào. “Cách duy nhất để ngăn chặn chiến tranh và bảo đảm hòa bình kéo dài trên bán đảo Triều Tiên là kết thúc chính sách thù địch của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên”, ông Pak Kil-yon nói. Đồng thời, ông khuyến cáo: Sự kiên nhẫn của CHDCND Triều Tiên không có nghĩa là không có giới hạn. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ chưa có bình luận gì về những phát biểu này.

Hãng AP cho biết, từ năm 2003, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nỗ lực đàm phán về thỏa thuận giải giáp hạt nhân với CHDCND Triều Tiên. Theo đó, Bình Nhưỡng phải ngừng chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, năm 2006, quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân và rút khỏi các cuộc đàm phán 6 bên vào năm 2009. Cuối năm 2009, Bình Nhưỡng lại thử hạt nhân. Và từ đó đến nay, các nỗ lực tái khởi động đàm phán 6 bên đều thất bại. Cũng từ đó CHDCND Triều Tiên vẫn bị Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt vì các vụ thử hạt nhân. Đầu năm nay, các cường quốc phương Tây quan ngại rằng, Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một vụ thử khác nhưng điều này vẫn chưa diễn ra. Từ lâu, CHDCND Triều Tiên cho rằng, họ phải đối mặt với sự thù địch từ phía Mỹ, cường quốc vốn có các căn cứ quân sự ở Hàn Quốc và Nhật Bản nên cần có kho vũ khí hạt nhân để phòng vệ.

Washington và người đồng minh Seoul khẳng định Bình Nhưỡng cần từ bỏ tham vọng hạt nhân trước khi được xem xét về một hiệp ước hòa bình cũng như các viện trợ kinh tế trên diện rộng. CHDCND Triều Tiên là quốc gia đầu tiên rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 2003. Song, theo các nhà phân tích, Bình Nhưỡng thực chất chỉ dùng hạt nhân làm đòn bẩy trong việc ngoại giao với thế giới bên ngoài, nhất là với Mỹ.

Phản ứng trước những phát biểu trên, ngày 2-10, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng, các hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên sẽ gây khó khăn cho việc cải thiện quan hệ giữa 2 miền.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.