.

Triều Tiên dọa tấn công, Hàn Quốc báo động quân đội

.

(ĐNĐT) - Ngày 22-10, Hàn Quốc đặt quân đội ở mức báo động cao, sau khi Triều Tiên đe dọa tấn công khu vực biên giới nếu các nhà hoạt động chống Bình Nhưỡng thả truyền đơn sang nước này.

Khu vực Imjingak, giáp giới khu phi quân sự, nơi được dự định thả bóng bay mang theo truyền đơn thả từ Hàn Quốc sang Triều Tiên.  Ảnh: Yonhap
Công viên Imjingak, giáp giới khu phi quân sự, nơi được dự định thả bóng bay mang theo truyền đơn từ Hàn Quốc sang Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Theo Yonhap, một nhóm các nhà hoạt động gồm những người đào tẩu từ Triều Tiên đã có kế hoạch thả 200.000 bóng bay có tờ rơi từ Công viên Imjingak, gần Khu phi quân sự vào lúc 11 giờ trưa nay theo giờ địa phương.

Hiện tại, cảnh sát và quân đội phong tỏa lối vào Imjingak kể từ lúc 8 giờ 40 sáng. Những du khách, người dân và báo giới không được vào khu vực này cho đến khi các nhà hoạt động "từ bỏ kế hoạch". 

Hôm 19-10, Triều Tiên cho biết, quân đội nước này sẽ phát động một cuộc tấn công “không thương tiếc” nếu phát hiện có bất kỳ động thái thả tờ rơi nào.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã nhanh chóng phản ứng lại khi cho rằng, quân  đội Hàn Quốc đã chuẩn bị để “tiêu diệt hoàn toàn” trong trứng nước nếu xảy ra một cuộc tấn công từ Triều Tiên.

Một quan chức quân sự cấp cao Hàn Quốc cho biết, các đơn vị quân đội Imjingak đang sẵn sàng để ngay lập tức dội pháo đáp trả và họ đang theo dõi sát sao các động thái của quân đội Triều Tiên.

Quân đội Hàn Quốc đã đẩy mạnh việc sẵn sàng huy động các lữ đoàn pháo binh và xe tăng cũng như tuần tra tác chiến trên không bằng loại máy bay F-15K và KF-16, quan chức trên cho biết.

Lời đe dọa của Triều Tiên diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Lee Myung-bak bất ngờ viếng thăm đảo Yoengpyeong ở khu vực biên giới trên Hoàng Hải, nơi diễn ra vụ đấu pháo giữa hai bên vào năm 2010.

Trước đây, Hàn Quốc từng thả truyền đơn sang Triều Tiên, nhưng đây là lần đầu tiên, phía Triều Tiên đe dọa sẽ tấn công nếu Hàn Quốc lại tái diễn việc này.

Triều Tiên tố cáo việc thả truyền đơn là chiến tranh tâm lý  và là hành động cố tình lật đổ chế độ của nước này; đồng thời, cảnh báo việc này có thể làm bùng phát một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn còn trong tình trạng chiến tranh kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hai nước chỉ ký một hiệp định ngừng bắn kể từ đó đến nay.

Quang Hiển (theo Yonhap, CNA)

;
.
.
.
.
.