.

Trung Quốc lại phản ứng với Nhật Bản

.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên sẽ không dẫn đầu phái đoàn Bắc Kinh tham dự hội nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Nhật Bản trong tuần này.

Ông Chu Tiểu Xuyên tại Hội nghị G20 hồi đầu năm nay.  Ảnh: Getty Images/CNN
Ông Chu Tiểu Xuyên tại Hội nghị G20 hồi đầu năm nay. Ảnh: Getty Images/CNN

Theo lịch trình, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên sẽ có bài phát biểu tại hội nghị của IMF và WB diễn ra từ ngày 12 đến 14-10, nhưng kế hoạch này đã bị hủy. Người cấp phó là Yi Gangwill sẽ thay ông làm nhiệm vụ này.

Không những thế, các đại diện của 4 ngân hàng khác thuộc Nhà nước Trung Quốc cũng không đến Tokyo dự họp, bao gồm: Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Nguyên nhân được cho là do quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Tokyo đang căng thẳng.

Hãng Reuters cho biết, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tạ Húc Nhân cũng rút khỏi hội nghị trên, thay vào đó là sự hiện diện của Thứ trưởng Chu Quang Diệu. Sự việc diễn ra trong lúc Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Đây là lần đầu tiên trong gần 50 năm qua Nhật Bản chủ trì hội nghị thường niên của IMF và WB. Sự tham dự của khoảng 20.000 đại biểu đánh dấu sự kiện này là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất thế giới. Tân Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koriki Jojima mô tả sự rút lui của ông Chu Tiểu Xuyên và các động thái khác của Trung Quốc là “đáng tiếc”. “Nếu ông ấy (Chu Tiểu Xuyên) không đến, thì thật đáng tiếc khi đại diện của các nhà chức trách Trung Quốc không tham gia vào cuộc họp quốc tế quan trọng này ở Tokyo. Trong tất cả các sự kiện, quan hệ kinh tế Nhật Bản - Trung Quốc rất quan trọng và Nhật Bản sẽ tiếp tục liên hệ với Trung Quốc với quan điểm rộng mở hơn”, một quan chức tài chính Nhật Bản nói.

Theo CNN, việc ông Chu Tiểu Xuyên rút khỏi hội nghị được xem là cách phản ứng đối với tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Bà Linda Jakobson, Giám đốc Chương trình Đông Á tại Viện Lowy ở Sydney (Úc), nhận định: Trung Quốc đang gửi dấu hiệu rõ ràng rằng, tranh chấp chủ quyền là vấn đề quan trọng đối với các nhà lãnh đạo hàng đầu Bắc Kinh”. Theo bà Jakobson, các quốc gia khác sẽ bất ngờ vì quyết định này.

Căng thẳng liên quan đến tranh chấp đảo, nhất là việc Chính phủ Tokyo mua lại một phần của quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư với số tiền 26 triệu USD đã khơi mào cho các cuộc biểu tình ở Trung Quốc và các cuộc tấn công nhằm vào những nhà máy, cửa hàng của Nhật Bản tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Giới quan sát cho rằng, những diễn biến này đã và đang phủ bóng lên cơ hội phục hồi kinh tế của Nhật Bản sau thảm họa động đất, sóng thần cùng khủng hoảng hạt nhân.  

Theo AP, trong tháng 9 vừa qua, doanh số ô-tô của Nhật Bản bán ra trên thị trường Trung Quốc giảm. Toyota cho biết, doanh số bán ra ô-tô mới của hãng này giảm 49% so với năm ngoái. Doanh số của Honda cũng giảm 41%, Nissan giảm 35,3%. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Các nhà kinh tế học cảnh báo tranh chấp chủ quyền Senkaku/ Điếu Ngư có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Hàng ngàn du khách Trung Quốc đã hủy tour đến Nhật.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.