.

ASEAN tìm tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông

.

Hội nghị cấp cao Đông Á diễn ra tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia ngày 20-11 với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN cùng Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hội nghị cấp cao Đông Á.                                                                                                                      Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hội nghị cấp cao Đông Á. Ảnh: AP

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN kể từ khi ông tái đắc cử. Đến Phnom Penh lần này, người đứng đầu Nhà Trắng bày tỏ quan tâm đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Tổng thống Obama kêu gọi sớm đưa ra Quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC) nhằm ngăn chặn xung đột có thể xảy ra. Washington thể hiện quan điểm không đứng về phía nào trong tranh chấp, nhưng sẽ không cho phép bất kỳ nước nào dùng vũ lực và phong tỏa Biển Đông.

Reuters cho biết, Tổng thống Obama đã thúc giục các nhà lãnh đạo châu Á kiềm chế căng thẳng trên Biển Đông và nhấn mạnh không có lý do gì để xảy ra căng thẳng leo thang. Reuters dẫn lời ông Ben Rhodes, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói rằng, Washington muốn chứng kiến tiến trình ngoại giao và ASEAN cần đối thoại với Trung Quốc về COC. “Thông điệp của Tổng thống Obama là cần giảm căng thẳng”, ông Rhodes nói.

Trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ngay trước đó, Tổng thống Obama cho rằng, Washington cùng Bắc Kinh phải phối hợp để thiết lập quy định quốc tế rõ ràng về thương mại và đầu tư bởi theo ông, 2 cường quốc này có “trách nhiệm đặc biệt” trong việc duy trì tăng trưởng toàn cầu. Song, ông không cáo buộc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vi phạm những quy định này. “Tôi cam kết hợp tác với Trung Quốc và tôi cam kết hợp tác với châu Á”, ông Obama nhấn mạnh.

Việt Nam và Philippines đều muốn đưa vấn đề tranh chấp ra các diễn đàn quốc tế, đồng thời muốn Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán đa phương. Song, Trung Quốc lại muốn đối thoại song phương để cường quốc châu Á này có thể sử dụng đến ảnh hưởng của mình với từng đối tác tham gia đàm phán. Bắc Kinh cũng muốn Washington không can thiệp vào tranh chấp trên Biển Đông và cho rằng, vấn đề này không nên được “quốc tế hóa”.

Căng thẳng cũng đã diễn ra ngay tại Hội nghị ASEAN lần này. Campuchia, nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, tuyên bố rằng ASEAN đã đồng ý không “quốc tế hóa” các tranh chấp. Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã đưa tay cắt ngang phát biểu của Thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen và phản ứng rằng, với tư cách một quốc gia có chủ quyền, nước ông có đầy đủ quyền “để bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình”. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, phái đoàn của ông đã sốc khi nghe một quan chức Campuchia phát biểu tại cuộc họp báo rằng, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được thỏa thuận không “quốc tế hóa” các tranh chấp. Ngày 20-11, Philippines đã gửi thư ASEAN phản đối Campuchia.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cũng bày tỏ thất vọng với Thủ tướng Campuchia Hun Sen vì không đề cập tới Biển Đông. Ông Noda cho rằng, các vấn đề an ninh châu Á làm gia tăng tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật. Theo Reuters, người đứng đầu Chính phủ Tokyo ám chỉ đến căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Trong khi đó, theo Thủ tướng Úc Julia Gillard, ASEAN và Trung Quốc “đã có một số hợp tác tốt liên quan tới Biển Đông”, nhưng không nên loại bất cứ điều gì khỏi nghị trình cuộc họp thượng đỉnh vốn là nơi các nhà lãnh đạo trao đổi về những vấn đề an ninh, kinh tế và thương mại.

Theo Reuters, đây là lần thứ hai trong vòng 5 tháng Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để Campuchia, nước đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, kiềm chế tranh cãi về vấn đề Biển Đông. Tháng 7 vừa qua, Hội nghị cấp cao ASEAN cũng không ra được tuyên bố chung bởi Campucha không đồng ý đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự.

Hội nghị cấp cao giữa Mỹ và ASEAN lần thứ 4 do Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng Tổng thống Barack Obama đồng chủ trì thống nhất thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 bên. Tuyên bố của hội nghị nhấn mạnh đến quan hệ về ngoại giao, kinh tế, an ninh và dân tộc giữa Mỹ với ASEAN. Với dân số gần 620 triệu người và tổng GDP hơn 2.200 tỷ USD, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của cường quốc này.

Hãng IANS cho biết, Chính phủ Mỹ cũng đã công bố chương trình Huấn luyện thủy thủ ASEAN mở rộng nhằm thúc đẩy việc huấn luyện đối phó với hải tặc tại khu vực.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.