.

“Bàn tay hữu nghị” với Myanmar

.

Trong chuyến thăm lịch sử Myanmar ngày 19-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, ông mở rộng “bàn tay hữu nghị” đối với một quốc gia từng bị cô lập.

Tổng thống Barack Obama gặp gỡ bà Aung San Suu Kyi.                                                 Ảnh: AP
Tổng thống Barack Obama gặp gỡ bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: AP

Ông Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Myanmar. Dù sự hiện diện của người đứng đầu Nhà Trắng tại Myanmar chỉ trong 6 tiếng đồng hồ chóng vánh nhưng lại mang tính biểu tượng cao, minh chứng sự ủng hộ của Mỹ đối với một đất nước Đông Nam Á đang có nhiều đổi thay.

Đồng hành với Tổng thống Obama là Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Hãng Reuters cho biết, phát biểu trong cuộc gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Thein Sein, người đã tiến hành những cải cách kể từ khi nắm quyền vào tháng 3-2011, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông công nhận những bước đi đầu tiên của Myanmar trong “một hành trình rất dài”. Ông Obama cam kết hỗ trợ hơn nữa đối với Myanmar nếu nước này tiếp tục xây dựng nền dân chủ mới.

AFP dẫn lời Tổng thống Thein Sein đề cập đến những thất vọng và trở ngại trong quan hệ với Mỹ kéo dài hơn 20 năm, nhưng cam kết thúc đẩy quan hệ giữa hai nước - vốn đã được cải thiện hơn một năm nay. Washington vốn hy vọng chuyến thăm Myanmar của ông Obama sẽ cổ vũ tiến trình cải cách của Tổng thống Thein Sein. Sự cổ vũ đó được thể hiện rõ qua việc ông chủ Nhà Trắng đã có cuộc gặp nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Bà Suu Kyi đoạt giải Nobel Hòa bình và bị quản thúc tại gia trong nhiều năm vì dẫn đầu cuộc đấu tranh chống chính quyền quân sự nhưng nay trở thành nghị sĩ của Myanmar. Trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Obama, bà Suu Kyi bày tỏ tin tưởng rằng, sự ủng hộ của Mỹ sẽ tiếp tục giúp Myanmar vượt qua những năm khó khăn phía trước.

Trong bài phát biểu tại ĐH Yangon, Tổng thống Obama cũng công bố cam kết viện trợ 170 triệu USD cho Myanmar trong năm 2012 và 2013, đồng thời mở cửa trở lại Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID) của Mỹ sau nhiều năm tạm ngừng hoạt động do sức ép của chính quyền quân sự. Ông còn nhấn mạnh việc đến Myanmar để giữ lời hứa và mở rộng “bàn tay hữu nghị”. “Nhưng hành trình đáng chú ý này chỉ mới bắt đầu và con đường phía trước vẫn còn”, Tổng thống Obama nói.

Giới phân tích cho rằng, việc ông Obama đến Myanmar là nước cờ chiến lược, nằm trong khuôn khổ kế hoạch tạo ảnh hưởng của Washington tại khu vực châu Á đang trổi dậy.

Tối 19-11, Tổng thống Obama rời Myanmar để đến thủ đô Phnom Penh của Campuchia, bắt đầu tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.