.

Bất ổn từ một sắc lệnh

.

Các cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã bước sang ngày thứ 5, kể từ khi nhà lãnh đạo này ban hành một sắc lệnh gây nhiều tranh cãi.

Người dân Ai Cập tham dự tang lễ của Gaber Salah, một người chết trong cuộc biểu tình do xung đột với lực lượng an ninh.                                                  Ảnh: AP
Người dân Ai Cập tham dự tang lễ của Gaber Salah, một người chết trong cuộc biểu tình do xung đột với lực lượng an ninh. Ảnh: AP

Ngày 27-11, những người chống lại Tổng thống Morsi đã tập trung tại Quảng trường Tahrir, kêu gọi ông thu hồi sắc lệnh vốn được cho là đe dọa đến đất nước Ai Cập. Cuộc biểu tình do các nhóm xã hội, tự do và cánh tả kêu gọi, đánh dấu khủng hoảng leo thang kể từ khi nhà chính trị Hồi giáo Morsi được bầu làm Tổng thống vào tháng 6 vừa qua, đồng thời gây chia rẽ giữa Chính phủ Hồi giáo mới được trao quyền và những người chống đối. Nhà chính trị cánh tả Hamdeen Sabahy nói rằng, biểu tình sẽ tiếp diễn cho đến khi sắc lệnh bị bãi bỏ và Tahrir sẽ là một hình mẫu của việc người dân Ai Cập không chấp nhận quyền lực tập trung quá lớn vào Tổng thống.

Reuters cho biết, cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán đám đông trong khi các nhà tổ chức kêu gọi những người biểu tình không xung đột với lực lượng an ninh của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, xung đột vẫn diễn ra ở gần Đại sứ quán Mỹ và Quảng trường Tahrir. Một nhà hoạt động của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương càng làm gia tăng bất ổn, làm suy giảm niềm tin vào nền kinh tế đang nỗ lực để phục hồi sau cuộc khủng hoảng kéo dài trong 2 năm qua, kéo theo việc ông Hosni Mubarak bị lật đổ vào tháng 2 năm nay.

Lực lượng đối lập cáo buộc Tổng thống Morsi hành động như pharaoh (Vua Ai Cập cổ) thời hiện đại. Với nhiều người dân Ai Cập, khi một Mubarak bị lật đổ thì họ không muốn có một Mubarak khác. Không ít người dân ở đất nước này cho rằng, ông Morsi muốn trở thành một Mubarak thứ hai.

Sắc lệnh được ông Morsi ban bố vào ngày 22-11, trao quyền cho Tổng thống có “bất kỳ quyết định hoặc biện pháp nào để bảo vệ cách mạng... Các quyết định, tuyên bố và luật pháp do Tổng thống đưa ra là những quyết định cuối cùng và không gì có thể chống lại”.

Trong một nỗ lực nhằm tránh khủng hoảng leo thang, Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã hoãn cuộc biểu tình quy mô lớn tại Cairo, vốn dự kiến diễn ra vào ngày 27-11, nhằm ủng hộ sắc lệnh của ông Morsi. Theo Chính phủ Ai Cập, sắc lệnh là nỗ lực thúc đẩy cải cách và hoàn thành tiến trình dân chủ. Ông Morsi cũng nhấn mạnh sắc lệnh sẽ chỉ tồn tại cho đến khi có một Quốc hội mới. Trong cuộc gặp gỡ với các thẩm phán vào ngày 26-11, ông Morsi trấn an rằng, sắc lệnh không vi phạm quyền của ngành Tư pháp. Song, giải thích này không được các thẩm phán và lực lượng đối lập chấp nhận.

Cũng trong ngày 27-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi người dân Ai Cập điềm tĩnh và giải quyết những bất đồng một cách hòa bình. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho rằng, Tổng thống Morsi đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện ngừng bắn giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza nên cứu được nhiều sinh mạng, đồng thời còn thúc đẩy khả năng tiến tới đàm phán hòa bình Trung Đông. Theo Nhà Trắng, điều mà người dân Ai Cập mong muốn là có một Chính phủ thể hiện được nguyện vọng của họ.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.