Chủ tịch BBC Chris Patten đã kêu gọi “cải tổ kỹ lưỡng, triệt để” hãng truyền hình hàng đầu thế giới này sau khi Tổng Giám đốc George Entwistle từ chức vì phóng sự điều tra tố cáo sai một chính khách liên quan đến vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Chủ tịch BBC Chris Patten lo ngại cuộc khủng hoảng ở BBC. Ảnh: Reuters |
Vấn đề khủng hoảng nghiêm trọng về niềm tin của khán giả đối với BBC được đặt ra. Chủ tịch BBC Chris Patten khẳng định cần khôi phục niềm tin đối với BBC. Theo ông, vị trí cơ bản của BBC tại Vương quốc Anh chính là niềm tin của người dân. “Nếu BBC mất điều đó thì đài này sẽ sụp đổ”, ông Patten nói.
Chủ tịch BBC cũng nhấn mạnh cần có một cuộc “cải tổ kỹ lưỡng, triệt để” về cơ cấu, cách thức điều hành BBC, mặc dù ông nói rằng sẽ không từ chức. Ông Patten và quyền Tổng Giám đốc Tim Davie đều nhận định: BBC cần con đường rõ ràng mới trong việc điều hành, quản lý.
Trải qua 90 năm hoạt động, BBC được người dân khắp thế giới biết đến với lượng khán giả lên đến 166 lượt triệu người/tuần, qua radio, vệ tinh kỹ thuật số và các kênh truyền hình cáp. Chương trình truyền hình BBC World News được phát sóng 24 giờ mỗi ngày ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. BBC có 22.000 biên tập viên, phóng viên, nhân viên, đặc biệt có một trang web thu hút 3,6 triệu độc giả truy cập/tháng. BBC World Service phát sóng toàn cầu qua radio, truyền hình và mạng Internet, cung cấp tin tức với 30 ngôn ngữ khác nhau.
Việc Tổng Giám đốc George Entwistle từ nhiệm đẩy BBC vào tình trạng khủng hoảng khi hãng này phải nỗ lực để lấy lại niềm tin trong báo giới và chống chọi với vụ bê bối liên quan đến Jimmy Savile, người dẫn chương trình hàng đầu của BBC bị cáo buộc tấn công tình dục trẻ em. Savile đã qua đời vào tháng 10-2011 ở tuổi 84.
Còn trong vụ việc lần này, mặc dù Steve Messham - người cáo buộc sai một chính trị gia Anh đã xin lỗi, và dù không đề cập đến tên vị chính khách này, nhưng mọi sự suy đoán, chú ý vẫn đổ dồn vào Alistair McAlpine, một cựu quan chức thuộc Đảng Bảo thủ Anh dưới thời Thủ tướng Thatcher. BBC cũng đã xin lỗi. Còn Entwistle khẳng định không hề biết về vụ việc.
Hôm qua (12-11), Giám đốc BBC News Helen Boaden và Phó Giám đốc Steve Mitchell đều từ chức. Theo Reuters, động thái này càng là đòn giáng mạnh vào hãng.
Trong khi đó, dù chỉ nắm cương vị Tổng Giám đốc trong 54 ngày nhưng khi từ chức, ông Entwistle vẫn được hưởng nguyên một năm lương: 450.000 bảng Anh (715.000 USD). Ông John Whittingdale, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Báo chí và Thể thao thuộc Hạ viện Anh, cho biết ông ngạc nhiên với quyết định lương cho Entwistle, đồng thời yêu cầu hãng giải thích.
Một số nhà quan sát cho rằng, chính quy mô lớn và sự phát triển nhanh chóng của BBC đã dẫn đến sự phân cấp trong điều hành nhưng không phân chia trách nhiệm rõ ràng, để ngỏ cho các sản phẩm báo chí kém chất lượng. Theo Jeremy Paxman, một trong những nhân vật nổi bật nhất của BBC, việc quản lý của hãng này trở nên lỏng lẻo khi tiền chi cho các chương trình bị cắt giảm. Gần đây, BBC đã giảm lực lượng, giảm hoạt động.
THIÊN BÌNH