(ĐNĐT) - Ngày 15-11, ông Tập Cận Bình chính thức được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đứng đầu một thế hệ lãnh đạo mới tại Trung Quốc trong 10 năm tới.
Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã quyết định cơ cấu lại bộ máy, giảm số ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị từ 9 người như trước đây xuống còn 7 người, gồm Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Trương Đức Giang, Du Chính Thành, Lưu Vân Sơn, Vương Kỳ Sơn và Trương Cao Lệ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tập Cận Bình
Tốt nghiệp kỹ sư hóa và làm thư ký cho Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Cần Biểu, sự nghiệp chính trị khá sớm đã đưa Tập Cận Bình, sinh 1953, từ quê hương Hà Bắc đến Phúc Kiến, nơi ông làm phó chủ tịch vào năm 1999 trước khi làm chủ tịch vào năm 2000.
Vào năm 2002, Tập Cận Bình vào vị trí cấp cao của Chính phủ và Đảng tại Triết Giang. Từ 2007, Tập Cận Bình vào Thường trực Bộ Chính trị và 2008 ông trở thành Phó Chủ tịch nước. Năm 2010, ông được giao giữ chức Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông còn là Chủ tịch Trường Đảng Trung ương.
Về đời tư, Tập Cận Bình là con trai của Tập Trọng Huân, một nhà cách mạng, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc. Trong thời gian nắm quyền, cha Tập Cận Bình ủng hộ tự do hóa kinh tế và giữ vai trong quan trọng trong việc tạo ra các đặc khu kinh tế tại Trung Quốc.
Tập Cận Bình kết hôn với bà Bành Lệ Viên, một ca sĩ nổi tiếng và người vợ thứ hai. Họ có một con gái là Tập Danh Tư, hiện đang học tại Đại học Harvard.
Tập Cận Bình được các cựu lãnh đạo Trung Quốc như Giang Trạch Dân và Phó Chủ tịch Đặng Cảnh Hồng bảo trợ.
Tập Cận Bình nổi tiếng là người có xu hướng thân thiện với thị trường để phát triển kinh tế. Ông còn thể hệ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các công ty lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước quan trọng của Trung Quốc.
Lý Khắc Cường
Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường, 57 tuổi, sẽ thay thế vị trí của Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào tháng 3-2013, khi Trung Quốc lập nên chính phủ mới. Ông Lý Khắc Cường từng xếp vị thứ bảy trong hàng của Thường trực Bộ Chính trị, sau khi thăng tiến từ Đoàn Thanh niên.
Sinh trưởng tại huyện Định Viễn, Lý Khắc Cường đã trải qua 4 năm lao động chân tay tại Tập đoàn sản xuất Đông Lăng tại tỉnh An Huy. Vào năm 1978, ông vào Đại học Bắc Kinh, nơi ông tốt nghiệp đại học Luật và Kinh tế.
Vào những năm 1980 và 90, Lý Khắc Cường làm Bí thư Liên hiệp sinh viên Toàn trung Quốc, sau đó giữ vị trí trong đảng tại Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản. Vào năm 1999, ông được bổ nhiệm Chủ tịch tỉnh Hà Nam và sau đó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam.
Từ đó, ông tới Liêu Ninh trước khi đặt chân vào Thường trực Bộ Chính trị vào năm 2007.
Về đời tư, Lý Khắc Cường xuất thân không là con của cán bộ cấp cao trong chính trường Trung Quốc. Theo Brookings, ông xuất thân từ trần lớp quan chức trung lưu với cha là một cán bộ cấp huyện. Vợ ông, Trần Hồng, là giáo sư tiếng Anh và văn chương tại Đại học Kinh tế và Thương mại Bắc Kinh. Họ có một con gái đang học tại Mỹ.
Theo Cheng Li của Viện Brookings, Lý Khắc Cường là người theo chủ nghĩa dân túy, ông là người ưa tranh luận với các chủ đề từ gia tăng việc làm, ưu đãi nhà cửa, chăm sóc y tế cơ sở, phát triển cân đối vùng miền và thúc đẩy cải cách công nghệ năng lượng sạch.
Trương Đức Giang
Trương Đức Giang, 65 tuổi, là Phó Thủ tướng Trung Quốc cho đến khi ông đột ngột thay thế Bạc Hy Lai làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh vào tháng 3-2012.
Sinh trưởng tại Đài An, tỉnh Liêu Ninh, cũng như Tập Cận Bình, Trương Đức Giang được điều về nông thôn để lao động tại xã Luozigou tại huyện Vương Thanh tỉnh Tứ Liên.
Vào đầu những năm 1970, Trương Đức Giang làm việc tại phòng tuyên truyền huyện trước khi đi học tiếng Triều Tiên tại Đại học Yanbian.
Sau đó ông làm Bí thư Đoàn tại Liêu Ninh trước khi học đại học Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng.
Những năm 80 ông trở lại Yanbian, nơi ông giữ chức vụ cấp cao trong đảng trước khi làm phó chủ tịch Sở Công an. Sau đó ông lần lượt giữ các chức vụ trong đảng tại Tư Liên cho đến khi chuyển tới Triết Giang để trở thành Bí thư Tỉnh ủy Triết Giang.
Vào năm 2002, ông vào Bộ Chính trị và trở thành Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông.
Về đời tư, Trương Đức Giang là một “hoàng tử đỏ”, ông là con trai của Trương Chí Nhất, một cựu tướng trong Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, là Phó tư lệnh pháo binh tại Quân khu Quảng Châu.
Vợ của ông Trương Đức Giang, bà Tần Thủ Sơn, từng giữ vị trí cấp cao tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và là thành viên của Hội nghị Tham vấn chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Du Chính Thanh
Du Chính Thanh sinh năm 1945, tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật quân sự Harbin, chuyên về điều khiên tự động tên lửa đạn đạo.
Du Chính Thanh từng giữ vị trí Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch và thành viên của Tập đoàn Quỹ Xã hội Tàn tật Trung Quốc trước khi tham gia chính trị tại Tỉnh Sơn Đông.
Ông từng là Thị trưởng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông rồi làm Bộ trưởng Xây dựng vào năm 1997. Năm 2007, ông làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải, thành phố lớn nhất về tài chính và kinh doanh tại Trung Quốc.
Du là con trai của Du Kỳ Vĩ, cựu Thị trưởng Thiên Tân và là chồng đầu tiên của Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông.
Du Chính Thanh được Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân đỡ đầu. Con trai Đặng Tiểu Bình là Đặng Phúc Phương, Chủ tịch Quỹ Xã hội Tàn tật nơi Du công tác vào những năm 80. Du Chính Thanh còn làm việc dưới quyền Giang Trạch Dân, khi ông cò làm Bộ Trưởng Công nghiệp điện tử.
Vợ Du Chính Thanh là con gái một vị tướng trong Quân giải phóng Trung Quốc.
Du Chính Thanh cổ vũ cho khu vực tư nhân, phát triển đô thị, phát triển pháp luật và cải cách xã hội để tạo dựng niềm tin và tin cậy trong xã hội.
Vương Kỳ Sơn
Được ví như Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ Henry Paulson bởi “tính quyết đoán và tò mò” và sở hữu óc khôi hài, Vương Kỳ Sơn hiện là Phó thủ tướng phụ trách kinh tế, năng lượng và tài chính dưới triều ông Ôn Gia Bảo.
Sinh năm 1948 tại Thiên Tân, Vương được đưa đi làm việc tại xã Fengzhuang, huyện Yan An, tỉnh Thiểm Tây, trước khi làm việc tại Bảo tàng Thiểm Tây.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Bắc về lịch sử, Vương bắt đầu nấc thang chính trị với vị trí hàng đầu trong Trung tâm nghiên cứu phát triển nông thôn thuộc Hội đồng Nhà nước vào những năm 80, trước khi nhập vào Tập đoàn đầu tư và tín dụng Nông thôn Trung Quốc.
Sau đó Vương tham gia Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc trước khi giữ vị trí cấp cao tại Quảng Đông và Hải Nam.
Vào năm 2004, ông làm Thị trưởng Bắc Kinh, đóng vai trò then chốt trong việc tổ chức Olympic Bắc Kinh năm 2008.
Về đời tư, Vương cưới bà Yao Mingshan, khi họ gặp nhau vào năm 1969 bởi cả hai người đều phải về nông thôn làm việc. Bố vợ ông là Yao Yilin, cựu ủy viên Bộ chính trị và Phó thủ tướng. Vương có quan hệ tốt với cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.
Theo Brooklings, công chúng Trung Quốc xem Vương Kỳ Sơn như người lãnh đạo có năng lực và đáng tin cậy trong các thời kỳ khủng hoảng.
Dựa trên kinh nghiệm trước đây của ông, Vương sẽ thúc đẩy phát triển thương mại và đầu tư nước ngoài, tự do hóa hệ thống tài chính Trung Quốc, cải cách thuế khóa vốn rất quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa trung ương-địa phương.
Lưu Vân Sơn
Sinh năm 1947 tại Tân Châu, Thiểm Tây, Lưu Vân Sơn làm giáo viên tại Vùng Nội Mông trước khi được đưa đi lao động trong Cách mạng Văn hóa.
Đầu những năm 90, Lưu chuyển tới Bắc Kinh để trở thành Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và làm sau đó làm Trưởng ban.
Lưu Vân Sơn có quan hệ gần gũi với Hồ Cẩm Đào. Con trai của Lưu là Lư Lập Phi là một trong 25 doanh nhân hùng mạnh nhất Châu Á do tạp chí Fortune xếp hạng.
Kinh nghiệm vốn có của Lưu Vân Sơn giúp ông trở thành “ứng viên tự nhiên” để thay thế chức vụ của ông Lý Thường Xuân làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Trương Cao Lệ
Sinh năm 1946 tại thành phố Tân Giang, tỉnh Phúc Kiến. Trương Cao Lệ là Bí thư Thành ủy Thiên Tân, một thành phố đang lên với 13 triệu dân.
Trương Cao Lệ học ngành Kế hoạch và Thống kê tại Đại học Hạ Môn, ông đi lên từ Công ty Dầu mỏ Guangdong Maoming và được cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đỡ đầu.
Năm 2001, Trương Cao Lệ trở thành Chủ tịch và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông trước khi chuyển tới Thiên Tân vào năm 2007. Trương là một người ủng hộ nền kinh tế thị trường
Quang Hiển (theo CNN)