Việc Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault bất ngờ yêu cầu nội các của mình phải tham gia lớp học về bình đẳng giới gây ngạc nhiên nhưng không phải không có nguyên nhân.
Nội các của Pháp rất đông nữ giới. Ảnh: AP |
Đầu tiên là vụ việc cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn, cũng là ứng viên Tổng thống Pháp, bị cáo buộc xem phụ nữ “nguyên liệu”. Rồi đến những tiếng huýt sáo trêu ghẹo tại Quốc hội Pháp vào tháng 7-2012 khi nữ Bộ trưởng Nhà ở Cecile Duflot mặc chiếc váy nổi bật với hoa xanh và trắng.
Tháng 10 vừa qua, trả lời phỏng vấn Tạp chí L’Express về bình đẳng giới, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane Le Foll đã lỡ lời khi nói rằng, phụ nữ không thể làm tốt công việc mang tính kỹ thuật. “Tôi đã nỗ lực cất nhắc phụ nữ nhiều hết mức có thể dù không ít công việc của chúng tôi mang nặng tính kỹ thuật”, ông Le Foll nói. Đến lúc này, vấn đề trọng nam, khinh nữ trong giới chính trị gia Pháp đã tạo ra những bức xúc trong dư luận, khiến Thủ tướng Ayrault không thể im lặng. Ông Le Foll cũng không ngờ mình đã gây sự phẫn nộ đến thế khi phát biểu của ông được đưa lên trang mạng Twitter.
Ở đất nước vốn có các biểu tượng nữ quyền như Joan of Arc, còn được gọi là “Thánh nữ Orleans”, được phong là vị thánh của đạo Thiên Chúa và là nữ anh hùng dân tộc của nước Pháp; hay Simone de Beauvoir, nhà văn và nhà triết học Pháp mà tên của bà được lấy làm một giải thưởng về quyền tự do của phụ nữ, việc phân biệt đối xử với phụ nữ, nhất là hành động của các chính trị gia, được cho là không thể chấp nhận. Vì vậy, mong muốn của Thủ tướng Ayrault là các chính trị gia hãy dành thời gian nghĩ về bình đẳng giới, để không có những phát biểu lỡ lời, hay những tiếng huýt sáo phản cảm đó nữa.
Theo lệnh của ông Ayrault, Bộ Bình đẳng mở ngay các buổi học về bình đẳng giới. Các nhà tổ chức nói rằng, lớp học đã kín chỗ với sự tham gia của tất cả 38 thành viên nội các. Ngay cả các nữ Bộ trưởng cũng có mặt. Mỗi buổi kéo dài 45 phút và các Bộ trưởng được đào tạo cách xác định giới tính trong cuộc sống thường nhật cũng như cách tránh những thành kiến về giới trong giao tiếp. Các buổi học cũng đề cập đến những thống kê về sự bất bình đẳng giới ở Pháp cùng những ví dụ xung quanh việc trẻ em tại đất nước này đã được định hình sẵn về sự bất bình đẳng giới ngay từ lúc còn rất nhỏ. Bà Caroline de Haas, người tổ chức khóa học, dẫn chứng trong các cửa hàng tại Pháp, quần áo dành cho trẻ em 18 tháng tuổi thường ghi chữ “dễ thương” (pretty) đối với bé gái và chữ “dũng cảm” (brave) đối với bé trai.
Cũng theo bà Haas, 80% các chính trị gia được phỏng vấn trên các kênh truyền hình và phát thanh ở Pháp đều là nam giới. Bà Haas luôn muốn đấu tranh chống sự ảo tưởng rằng Pháp gần như đạt được sự bình đẳng giới. Thực tế, quốc gia châu Âu này đang xếp vị thứ không mấy ấn tượng trong danh sách bình đẳng giới toàn cầu: vị thứ 48.
Hãng AP còn cho hay, sáng kiến của Thủ tướng Ayrault về lớp học bình đẳng giới còn xuất phát từ câu chuyện về Thụy Điển, nước dẫn đầu trong danh sách bình đẳng giới toàn cầu. Ở Thụy Điển, đồ chơi thường dành cho cả bé trai lẫn bé gái và một trường mẫu giáo thậm chí đã cấm hoặc không khuyến khích trẻ em dùng những từ ngữ chỉ giới tính như “bà ấy, cô ấy” (she), “ông ấy, cậu ấy” (he).
Trong cương lĩnh tranh cử trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng xem bình đẳng giới là một trong những vấn đề quan trọng. Hơn nữa, ½ số thành viên nội các của Thủ tướng Ayrault là nữ giới.
VĨNH AN