.
CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Không kỳ vọng Doha

.

Hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu được khai mạc tại thủ đô Doha (Qatar) vào ngày 26-11 trong lúc có những quan ngại rằng sẽ không tạo được đột phá nào.

Khói bốc lên từ nhà máy điện đốt than ở Gelsenkirchen, Đức.               Ảnh: AP
Khói bốc lên từ nhà máy điện đốt than ở Gelsenkirchen, Đức. Ảnh: AP

Trong 2 tuần (từ ngày 26-11 đến 7-12), gần 200 phái đoàn của các quốc gia sẽ đàm phán về một thỏa thuận toàn cầu mới nhằm chống lại sự ấm nóng toàn cầu và hỗ trợ những nước nghèo trong vấn đề này.

Tất cả những dấu hiệu trước hội nghị đều cho thấy lần nhóm họp ở Doha cũng sẽ thất bại như những lần trước, như Copenhagen (Đan Mạch) cách đây 3 năm hay tại Durban (Nam Phi) vào năm ngoái. Thêm vào đó, việc LHQ lựa chọn tổ chức hội nghị ở Doha cũng gây ngạc nhiên cho nhiều phái đoàn bởi quốc gia giàu dầu mỏ Qatar là nước sản xuất lượng khí thải (CO2) lớn nhất tính theo đầu người.

Các nghi ngại đã phủ bóng lên hội nghị. Các báo cáo trước thềm hội nghị cũng cảnh báo khí hậu sẽ khắc nghiệt hơn với thiên tai như siêu bão Sandy, nếu nỗ lực của các nước đều thất bại. Khí thải gây hiệu ứng nhà kính như CO2 đã tăng lên 20% kể từ năm 2000. Các nước giàu và các nước nghèo vẫn bất đồng về việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nên giới quan sát không kỳ vọng vào thành công của hội nghị lần này trong việc tìm kiếm nghị định thay thế Nghị định thư Kyoto. Các nước nghèo muốn những nước giàu phải gia tăng cam kết cắt giảm khí thải. Báo cáo cũng cho thấy khoảng cách lớn giữa những gì mà các Chính phủ đang thực hiện để giảm khí thải với những gì cần thiết để bảo vệ thế giới khỏi mức ấm nóng nguy hiểm.

Hãng AFP dẫn lời ông Andrew Steer, Chủ tịch Viện Tài nguyên thế giới có trụ sở tại Washington nói rằng tình huống rất khẩn cấp. “Chúng ta không thể nói rằng biến đổi khí hậu là vấn đề của ngày mai nữa”, ông Steer nhấn mạnh.

Theo Reuters, để tiếp tục hành động chống biến đổi khí hậu, hầu hết các nước đều muốn gia hạn Nghị định thư Kyoto - văn bản pháp lý yêu cầu các nước phát triển cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính còn trung bình 5,2% so với mức năm 1990. Nghị định thư Kyoto được thông qua vào năm 1997, là thỏa thuận về khí hậu quan trọng nhất của LHQ tính đến nay. Song, văn bản này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay. Trong những năm gần đây, Nga, Nhật Bản và Canada rút khỏi Nghị định. Chương trình Môi trường LHQ cho biết, thế giới nóng hơn trung bình từ 3-5 độ C trong thế kỷ này và vấn đề đặt ra là cần hành động khẩn cấp.

Cao ủy LHQ về khí hậu Christiana Figueres nói rằng, cần có phản ứng nhanh hơn đối với sự biến đổi khí hậu. “Doha phải chắc chắn phản ứng được tăng tốc”, bà Figueres nói. Các phái đoàn phải đặt ra kế hoạch làm việc trong 36 tháng tới để đạt được một thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới và thỏa thuận này sẽ có hiệu lực vào năm 2020.

Đến nay, chỉ Liên minh châu Âu (EU), Na Uy, Úc, Thụy Sĩ đồng ý ký Nghị định thư mới. Tuy nhiên, các quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính chiếm đến 80% thế giới vẫn từ chối tham gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Và các cuộc đối thoại trong 2 thập niên qua không đáp ứng được mục tiêu chính: giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Một nghiên cứu của Viện quốc tế về môi trường và phát triển có trụ sở ở London (Anh) ngày 26-11 cho hay, các nước giàu đã không giữ cam kết viện trợ cho các nước nghèo 30 tỷ USD để chống biến đối khí hậu từ năm 2010-2012. Thực tế, các nước phát triển đã thống nhất thúc đẩy quỹ cho kế hoạch chống biến đổi khí hậu lên mức 100 tỷ USD/năm, kể từ năm 2020, tăng so với con số 30 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2012. Tuy nhiên, chưa rõ nguồn tiền này sẽ đến từ đâu.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.