Trên thực tế người dân Mỹ không trực tiếp bầu chọn tổng thống của mình, thay vào đó là một cử tri đoàn gồm các đại cử tri bỏ phiếu. Trong các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng gay cấn, vai trò của cử tri đoàn càng tăng cao.
Lá phiếu đại cử tri sẽ quyết định ai bước vào Nhà Trắng. Ảnh: AFP. |
Mỗi bang có số lượng đại cử tri (Elector) nhất định hợp thành cử tri đoàn (Electoral College) dựa trên quy mô dân số của bang đó. Nghĩa là bang nào càng đông dân thì càng nhiều đại cử tri. Về mặt kỹ thuật thì các cử tri Mỹ đi bỏ phiếu để bầu đại cử tri chứ không phải bầu trực tiếp cho các ứng viên tổng thống.
California là bang đông dân nhất nước Mỹ nên cũng có số lượng phiếu đại cử tri lớn nhất là 55. Một số bang khác có nhiều đại cử tri như Florida, Pensynvania, Ohio... đều có trên 20 phiếu. Trong khi đó một số bang nhỏ và đặc khu Washington DC chỉ có 3 phiếu đại cử tri.
Tổng cộng nước Mỹ có 538 đại cử tri. Tại hầu hết các bang của Mỹ (trừ hai bang Maine và Nebraska), các đại cử tri trong cử tri đoàn bang đó sẽ bỏ phiếu theo thể thức "được ăn cả ngã về không". Nghĩa là nếu ứng viên nào giành được đa số phiếu của cử tri phổ thông thì sẽ nhận được tất cả lá phiếu của đại cử tri bang đó.
Để trở thành tổng thống, một ứng viên cần hội đủ tối thiếu 270 phiếu đại cử tri. Ngoài ra người đắc cử không nhất thiết phải giành chiến thắng về số phiếu phổ thông trên cả nước. Điều này đồng nghĩa có ứng viên vẫn có quyền bước vào Nhà Trắng miễn là có đủ trên 270 phiếu đại cử tri, dù thua đối thủ về phiếu phổ thông.
Tại sao hệ thống đại cử tri được sử dụng?
Khi nước Mỹ được khai sinh, chiến dịch vận động và bỏ phiếu đồng loạt ở tầm quốc gia gần như là điều không thể do khả năng truyền đạt thông tin thời đó thô sơ, các bang ngờ vực về quyền lợi của họ, sự nghi ngờ của các đảng phái chính trị và cả do mối lo ngại về phổ thông đầu phiếu.
Những người soạn ra bản Hiến pháp năm 1787 của nước Mỹ bác bỏ cả hai cách thức bầu tổng thống là thông qua Quốc hội (do chia rẽ quyền lực) lẫn qua cách bầu trực tiếp của cử tri (do lo ngại người dân sẽ chỉ bầu cho ứng viên người địa phương và các bang lớn sẽ nắm vai trò thống trị).
Một nhân tố khác là các bang miền nam nước Mỹ rất ủng hộ hệ thống bầu tổng thống qua đại cử tri. Những nô lệ tại khu vực này không có quyền bỏ phiếu nhưng được tính bằng 3/5 người thường khi thống kê quy mô dân số của mỗi bang. Ý tưởng ban đầu là chỉ có những người có vai trò ở mỗi bang mới hợp thành những đại cử tri trong cử tri đoàn bang đó. Qua năm tháng, cử tri đoàn thay đổi và ngày càng phản ánh tốt hơn nguyện vọng của người dân.
Hệ lụy của hệ thống bầu cử theo đại cử tri
Câu hỏi đặt ra là liệu có bất công hay không khi một ứng viên đắc cử tổng thống lại nhận được ít hơn số phiếu phổ thông so với người thất bại. Đây được coi là mặt hạn chế chính của hệ thống bầu cử tổng thống của nước Mỹ theo hình thức đại cử tri.
Năm 2000, ứng viên đảng Dân chủ Al Gore giành được 48,38% phiếu phổ thông toàn quốc so với đối thủ phe Cộng hòa George Bush được 47,87%. Dù vậy, ông Bush vẫn giành chiến thắng do nhận được 271 phiếu đại cử tri so với 266 của Al Gore. Bang quyết định là Florida, nơi tất cả 25 phiếu đại cử tri rơi vào tay Bush dù chênh lệch giữa hai ứng viên về phiếu phổ thông tại bang này chỉ là 537.
Tình huống tương tự xảy ra vào năm 1888 khi Benjamin Harrison giành chiến thắng nhờ có hơn phiếu đại cử tri, dù ít phiếu phổ thông hơn so với đối thủ Grover Cleveland.
Một mặt trái khác của hệ thống bầu cử theo đại cử tri là tại nhiều bang, kết quả nghiêng về ứng viên nào đã được trù tính từ trước. Do đó ít có tính chất khuyến khích các cá nhân cử tri đi bỏ phiếu. Điều này cũng không hấp dẫn các ứng viên tới vận động tranh cử tại các bang được cho là đã "an bài" đó.
Lợi ích của hệ thống bầu cử này là gì?
Hệ thống bầu cử tổng thống theo đại cử tri tại Mỹ được tôn trọng và duy trì do các nguồn gốc lịch sử của nó. Đồng thời cũng vì nó thường phản ánh chính xác lá phiếu của các cử tri phổ thông. Hệ thống này cũng tạo cho các bang nhỏ có sức nặng hơn trong việc bầu chọn nhà lãnh đạo mới của đất nước.
Ví dụ bang lớn nhất California chiếm 12,03% dân số nước Mỹ, nhưng cử tri đoàn gồm 55 đại cử tri của họ chỉ chiếm 10,22% số đại cử tri trên cả nước. Trong khi bang Wyoming có dân cư thưa thớt chỉ chiếm 0,18% dân số nước Mỹ nhưng họ có 3 phiếu đại cử tri, chiếm 0,56% tổng số đại cử tri Mỹ.
Hệ thống đại cử tri cũng đồng nghĩa với việc một ứng viên muốn chiến thắng phải nhận được sự ủng hộ của các lá phiếu trên phạm vi cả nước.
Điều gì xảy ra nếu không ứng viên nào giành đa số phiếu đại cử tri?
Trong trường hợp này quyết định cuối cùng thuộc về Hạ nghị viện, do số ghế các bang nắm trong cơ quan lập pháp này tương xứng với tỷ lệ dân số bang đó. Vì vậy quyết định của Hạ nghị viện phản ánh tốt hơn nguyện vọng của cử tri phổ thông so với Thượng viện. Khi đó mỗi nhóm hạ nghị sĩ của mỗi bang sẽ chỉ có một lá phiếu bầu tổng thống, nghĩa là đảng nào chiếm đa số trong nhóm hạ nghị sĩ của bang thì lá phiếu bang đó sẽ thuộc về ứng viên của họ.
Còn phó tổng thống sẽ do Thượng nghị viện bầu chọn và mỗi thượng nghị sĩ có một lá phiếu riêng cho quyết định này.
Các đại cử tri bỏ phiếu như thế nào?
Tại một số bang, các đại cử tri được quyền tự do bỏ phiếu cho bất cứ ứng viên nào. Nhưng trên thực tế họ thường bầu cho những ứng viên mà họ đã cam kết ủng hộ từ trước. Tại đa số các bang khác họ được yêu cầu phải bỏ phiếu cho những ứng viên đã cam kết. Qua thời gian xuất hiện một số đại cử tri được coi là "lật lọng" vì bỏ phiếu cho các ứng viên khác so với cam kết ban đầu. Nhưng điều này là hiếm khi xảy ra và không có kết quả bầu cử nào bị thay đổi vì điều đó.
Trong trường hợp kết quả bầu cử quá sít sao, một đại cử tri "lật lọng" có thể gây ra rắc rối thực sự. Vấn đề này có thể sẽ phải đưa ra tòa án phân giải.
Các đại cử tri do các đảng bầu chọn trước cuộc bầu cử tổng thống và thường thông qua một cuộc bỏ phiếu trong hội nghị. Các đại cử tri họp nhau tại thành phố thủ phủ mỗi bang sau ngày bầu cử (năm nay cuộc họp này diễn ra vào ngày 13-12) để bỏ lá phiếu của họ. Kết quả được công bố chính thức trước Thượng viện vào ngày 6-1-2009 và tân tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức ngày 20-1.
VnExpress