(ĐNĐT) - Các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông.
Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 được tổ chức tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia) ngày 18-11. Ảnh: Getty |
Ngay sau Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 được tổ chức tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã họp Phiên họp hẹp để trao đổi về các trọng tâm và ưu tiên của Hiệp hội và trao đổi với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC).
Tại các phiên họp này, lãnh đạo các nước ASEAN đã bàn về việc đẩy mạnh xây dựng cộng đồng, gia tăng kết nối và liên kết khu vực, tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Trước những thách thức đang đặt ra đối với khu vực, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh Hiệp hội cần duy trì đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm trong định hướng hợp tác và cấu trúc khu vực, nhất là về các vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược chung của ASEAN về hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực. Theo đó, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, tiếp tục phát huy tác dụng các công cụ hợp tác của ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Bên cạnh đó, ASEAN cần phát huy tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, khuyến khích tăng cường hợp tác với các đối tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống, ứng phó hiệu quả với cách thách thức đang đặt ra ở khu vực như thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh an toàn hàng hải, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia.
Thành lập Viện Nghiên cứu hòa bình và hòa giải ASEAN Tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 sáng 18-11, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu hòa bình và hòa giải ASEAN (AIPR) nhằm thúc đẩy hợp tác trong ASEAN về giải quyết hòa bình tranh chấp, cũng như trong lĩnh vực chính trị - an ninh nói chung. |
Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nhà lãnh đạo nhất trí ASEAN cần tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác, phát huy vai trò chủ đạo trong thúc đẩy các khuôn khổ và tiến trình hợp tác khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+),... tạo điều kiện cho các đối tác tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào mục tiêu chung là hoà bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực. Nhân dịp này, lãnh đạo các nước ASEAN đã chính thức tuyên bố khởi động tiến trình đàm phán Khuôn khổ Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) với các đối tác liên quan.
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Chính phủ Myanmarr trong tiến trình hòa hợp dân tộc; ủng hộ một Bán đảo Triều Tiên hòa bình và phi vũ khí hạt nhân. Về tình hình ở Dải Gaza (Palestine), các nước kêu gọi các bên chấm dứt hành động bạo lực, thù định, nỗ lực tìm giải pháp lâu dài cho hòa bình ở Trung Đông. Các lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí tăng cường trao đổi và phối hợp lập trường về các vấn đề toàn cầu thuộc quan tâm chung tại các diễn đàn quốc tế, khu vực khác như APEC, ASEM, G20, Liên hợp quốc,... qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của ASEAN.
Về Biển Đông, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS); thực hiện hiệu quả Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông, Tuyên bố DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thúc đẩy đối thoại và hợp tác xây dựng lòng tin giữa các nước
Tại phiên họp hẹp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trước hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo ở khu vực, nhất là trong các vấn đề hòa bình và an ninh; thúc đẩy đối thoại và hợp tác xây dựng lòng tin giữa các nước; xây dựng và chia sẻ chuẩn mực ứng xử; phát huy các công cụ và cơ chế hợp tác hiện có như Hiệp ước TAC, Tuyên bố Bali về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi, đặc biệt là cần đề cao các nguyên tắc như kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình… ASEAN cần giữ vững đoàn kết và thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung của khu vực trên cơ sở các nguyên tắc và phương cách đã thỏa thuận, kiên trì tham vấn và xây dựng đồng thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 được tổ chức tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Ảnh: Getty |
Đề cập đến việc giữ vững vai trò của ASEAN trước các thách thức to lớn ở khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ ASEAN đang phải xử lý những thách thức phức tạp cả truyền thống và phi truyền thống, từ những xung đột tiềm tàng tới các vấn đề xuyên biên giới như bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, ứng phó và phòng chống thảm họa thiên tai. Với tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, ASEAN cần tích cực xem xét, trao đổi, phối hợp với nhau, và nỗ lực xây dựng lập trường chung ASEAN trong một số vấn đề quan trọng của khu vực. Đó cũng là một trong những biện pháp để ASEAN giữ vững vai trò trung tâm của mình trong khu vực, nơi các nước lớn đang cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt.
Về Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp; tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc, trong đó có các quy định về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, cũng như sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống và ứng phó với các thách thức đang nổi lên như quản lý thiên tai, an ninh nguồn nước, an ninh an toàn hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia… Về hợp tác Mekong, các nước thuộc Tiểu vùng Mekong cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác ứng phó với lũ lụt, thiên tai, xâm nhập mặn, bảo đảm an ninh lương thực và quan trọng hơn cả là tìm ra giải pháp lâu dài cho việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, trước hết là cần phải có nghiên cứu tổng thể, khách quan và khoa học về tác động đến môi trường và nguồn nước trong việc khai thác và sử dụng sông Mekong.
Phát biểu về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ một Bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân; ủng hộ việc kêu gọi chấm dứt các hành động bạo lực, thù định, nỗ lực tìm giải pháp lâu dài cho hòa bình ở Trung Đông.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng chúc mừng Campuchia thành công trong trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2012; khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Brunei trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2013 để bảo đảm năm Chủ tịch ASEAN của Brunei thành công tốt đẹp.
Tối 18-11, Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 đã kết thúc tốt đẹp. Trong các kết quả của hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN đã ra Tuyên bố Phnom Penh thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) - văn kiện chính trị quan trọng đầu tiên về hợp tác nhân quyền ở khu vực, và thông qua Kế hoạch Hành động triển khai Tuyên bố Bali về “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các Quốc gia toàn cầu,” chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu Hòa bình và Hòa giải ASEAN (AIPR)…
Trong hai ngày tiếp theo sẽ diễn ra các Hội nghị của ASEAN với các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Mỹ; Cấp cao ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS).
Theo TTXVN, Chinhphu.vn