.

Khó chuyển giao quyền lực ở Afghanistan

.

Cuộc bầu cử Tổng thống ở Afghanistan vào năm 2014 được xem là quan trọng đối với sự ổn định và an ninh của đất nước này sau hơn 11 năm chiến tranh.

Cảnh sát địa phương của Afghanistan huấn luyện tại tỉnh Helmand.   Ảnh: Reuters
Cảnh sát địa phương của Afghanistan huấn luyện tại tỉnh Helmand. Ảnh: Reuters

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen gọi kế hoạch mà Chính phủ Afghanistan vạch ra để tổ chức bầu cử Tổng thống ở quốc gia Nam Á này vào ngày 5-4-2014 là cơ hội lịch sử. Năm 2014 cũng là thời điểm mà hầu hết binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế do NATO dẫn đầu sẽ rút khỏi Afghanistan.

Chủ tịch Ủy ban bầu cử Afghanistan Fazel Ahmad Manawai cho biết, các cuộc bầu cử địa phương cũng sẽ được tổ chức cùng ngày với bầu cử Tổng thống. Còn bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào năm 2015.

Các chính trị gia Afghanistan và các nước ủng hộ Kabul đã hoan nghênh tuyên bố của Chính phủ Tổng thống Hamid Karzai, đồng thời xem đây là bước đi tiến tới việc chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Đại sứ Mỹ James Cunningham nói rằng, việc chọn ngày bầu cử thể hiện khát vọng của người dân Afghanistan về một tương lai ổn định.

Tuy nhiên, những phản ứng của Taliban trong lúc này dự báo sẽ không dễ tiến hành bầu cử. Vốn được cho là lực lượng có thể phá hoại bỏ phiếu, Taliban nói rằng, những tuyên bố bầu cử là vô nghĩa, cáo buộc cuộc bầu cử là âm mưu của Mỹ và cam kết tiếp tục đấu tranh. Theo người phát ngôn của Taliban Qari Youssof Ahmadi, Mỹ muốn lựa chọn những người mà cường quốc này muốn và những ai sẽ làm việc vì mục đích của Washington.

Hãng AP cho biết, Taliban là nhóm đối lập chính ở Afghanistan. Trước đây, Tổng thống Karzai đã yêu cầu lực lượng nổi dậy hạ vũ khí và tham gia tiến trình chính trị. Tuy nhiên, Taliban thề tiếp tục đấu tranh. Theo AP, vẫn chưa rõ nhóm đối lập này sẽ làm gì trước thềm bầu cử. Các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra và chưa có dấu hiệu nào cho thấy Taliban ngừng cuộc chiến. Trong suốt thời ông Karzai nắm quyền, lực lượng này không những chưa bao giờ công nhận ông là Tổng thống mà thậm chí xem ông là con rối của Mỹ.

Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2009 mang đến cho ông Karzai nhiệm kỳ 2 nhưng bị cáo buộc gian lận phiếu bầu. Hiến pháp không cho phép nhà lãnh đạo này tiếp tục nhiệm kỳ 3 và ông Karzai cũng nói rằng, ông sẽ không cố tìm kiếm thêm nhiệm kỳ.

Mặc dù đến nay vẫn chưa có tuyên bố về ứng viên, nhưng những gương mặt đầy tiềm năng được đề cập đến hầu hết là các thành viên của cựu Liên minh phương Bắc, lực lượng đã lật đổ Taliban vào cuối năm 2001, trong đó có cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah - người đã thất bại trước ông Karzai vào năm 2009, và Quayum Karzai - một trong những người anh em của Tổng thống.

Tháng 10 vừa qua, nhóm Khủng hoảng quốc tế cảnh báo cần phải có những động thái để ngăn chặn khủng hoảng và cáo buộc lẫn nhau như từng xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2009. Cũng theo AP, các cuộc bầu cử tự do, công bằng cũng là điều kiện then chốt để Afghanistan nhận được 16 tỷ USD như cam kết tại Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế vào tháng 5 năm ngoái.

Theo thống kê của AP, ít nhất 2.012 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng ở Afghanistan kể từ năm 2001 đến nay.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.