.

Mỹ không thừa nhận hộ chiếu "lưỡi bò" của Trung Quốc

.

(ĐNĐT) - Bộ Ngoại Mỹ cho biết, sẽ không thừa nhận hộ chiếu mới của Trung Quốc có in chìm hình bản đồ hiện đang “gây tranh cãi” ngoại giao lớn trong khu vực.

Hộ
Hộ chiếu mới của Trung Quốc gây phản ứng mạnh mẽ của các nước trong khu vực. Ảnh: Reuters

Báo The Eeconomic Times, ngày 17-11, dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết trong một buổi họp báo rằng: “Lập trường của chúng tôi về Biển Đông sẽ vẫn giữ nguyên, rằng các vấn đề này cần phải được thương lượng giữa các bên liên quan, giữa khối ASEAN và Trung Quốc và một bức ảnh trên hộ chiếu không thay đổi được điều đó. Đây không phải là sự chứng thực”.

Khi trả lời các câu hỏi về vấn đề này, bà Nuland cho rằng, theo bà hiểu, thì có một số tiêu chuẩn quốc tế căn bản cần phải được tuân thủ trong một hộ chiếu.

Về mặt kỹ thuật pháp lý, có một số bản đồ sai lạc được kèm vào hộ chiếu và nó không phải là một phần của hộ chiếu. Bản đồ sai lạc đó không có ý nghĩa gì tới việc tấm hộ chiếu là hợp lệ cho việc cấp thị thực của Mỹ hoặc để vào Mỹ hay không.

Theo bà Nuland, Mỹ không có cơ hội để thảo luận vấn đề này với Trung Quốc. Và đây là lần đầu tiên việc phát hành này gây sự chú ý của Mỹ trong tuần qua, khi các hộ chiếu bị các nước khác nhau từ chối.

Theo bà Nuland, nếu có một số nước coi việc phát hành hộ chiếu là khiêu khích, thì phía Mỹ sẽ thảo luận về vấn đề đó. Bà Nuland hy vọng sẽ có một một cuộc đối thoại về vấn đề này.

Việc Trung Quốc in chìm bản đồ gây tranh cãi trong hộ chiếu mới đã khiến các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực hết sức bất bình, phản đối.

Ấn Độ cho biết, họ đã cho tiến hành thị thực (visa) có in hình bản đồ của mình lên hộ chiếu của khách nhập cảnh từ Trung Quốc, sau khi Trung Quốc phát hành loại hộ chiếu điện tử mới có in hình bản đồ kèm cả những khu vực tranh chấp giữa hai nước.

Hành động khẩn trương này được Ấn Độ đưa ra sau khi phát hiện Trung Quốc in hình hai khu vực Arunachal Pradesh và Aksai China (mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền) lên hộ chiếu mới như thể đó là một phần lãnh thổ hiển nhiên của Trung Quốc.

Trong mẫu hộ chiếu áp dụng công nghệ cao có gắn chip điện tử mới của Trung Quốc xuất hiện bản đồ Trung Quốc trên góc trái bao gọn cả Biển Đông và Đài Loan. Sự thay đổi này được cho là một hình thức tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực biển giàu tài nguyên mà cũng thuộc chủ quyền của nhiều nước khác, trong đó có Philippines, Brunei, Malaysia và cả Việt Nam.

Ngay sau khi mẫu hộ chiếu được công bố, Đảng cầm quyền và các nhà lập pháp Đài Loan đã lên án Trung Quốc mạnh mẽ. Họ cảnh báo rằng sự việc có thể gây tổn hại tới mối quan hệ giữa hai bên, vốn đang có chuyển biến tốt. "Đây là hành động phớt lờ sự thực và chỉ gây thêm tranh cãi” – Hội đồng Đại lục - Đài Loan, cơ quan chịu trách nhiệm về mối quan hệ với Bắc Kinh – cho biết và nhấn mạnh rằng họ sẽ không bao giờ chấp nhận bản đồ này cũng như mẫu hộ chiếu mới sử dụng ở nước họ.

Trước đó, Việt Nam và Philippines cũng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, sau khi bản đồ mà Trung Quốc in lên mẫu hộ chiếu mới của họ còn kèm cả “đường lưỡi bò” phi pháp không được quốc tế công nhận.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 22-11, đã khẳng định tấm hộ chiếu mới của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng “chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông."

Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã gửi công hàm phản đối tới phía Trung Quốc và nhấn mạnh: “Nếu để yên cho Trung Quốc làm như vậy, điều đó có nghĩa là chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc trên toàn bộ vùng Biển Đông".

Báo Financial Times của Anh trích lời một nhà ngoại giao cao cấp công tác tại Bắc Kinh xin giấu tên, bình luận việc in yêu sách chủ quyền ngay trên hộ chiếu là “sự leo thang khá nghiêm trọng, vì Trung Quốc đang phát hành hàng triệu hộ chiếu mới loại này, và hộ chiếu dành cho người lớn có giá trị trong 10 năm.”

Đối với nhà quan sát này, sự kiện trên là hết sức nghiêm trọng vì nếu sau này Bắc Kinh thay đổi ý kiến, họ sẽ mất rất nhiều công sức để thu hồi hàng triệu hộ chiếu như vây.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã cố gắng hạ nhiệt căng thẳng ngoại giao qua hành động giới thiệu hộ chiếu mới, khi người phát ngôn bộ Ngoại giao nước này nói rằng, “tấm bản đồ không nhắm tới bất cứ một quốc gia cụ thể nào.”

Quang Hiển

;
.
.
.
.
.