.

Mỹ quan ngại về hộ chiếu “đường lưỡi bò”

.

Mỹ bày tỏ quan ngại về việc hộ chiếu mới của Trung Quốc có in tấm bản đồ chứa những đảo tranh chấp với các nước khác trên Biển Đông.

Bản đồ “đường lưỡi bò” được in trên hộ chiếu mới của Trung Quốc.  Ảnh: Reuters
Bản đồ “đường lưỡi bò” được in trên hộ chiếu mới của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington ngày 27-11 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Washington sẽ lên tiếng với Trung Quốc về hộ chiếu “đường lưỡi bò”, sự việc đang gây căng thẳng và lo lắng cho các nước liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Theo bà Nuland, hành động của Trung Quốc “không khôn ngoan về mặt chính trị và bản đồ “đường lưỡi bò” không có lợi cho việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ”.

Mỹ vốn thúc giục Trung Quốc và các nước Đông Nam Á ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC), một bước đi để giảm căng thẳng tại khu vực. Bà Nuland từng tuyên bố việc Trung Quốc in bản đồ “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu không làm thay đổi quan điểm của Mỹ đối với cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Quan điểm của Washington là nên giải quyết tranh chấp bằng đàm phán đa phương giữa các nước liên quan, giữa ASEAN và Trung Quốc.

Về việc Hải quan Mỹ đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu của công dân Trung Quốc có in hình bản đồ, bà Nuland nói rằng, các nước muốn trang trí hộ chiếu thế nào là việc của họ, Mỹ vẫn thừa nhận hộ chiếu Trung Quốc là giấy tờ hợp pháp, nhưng không có nghĩa là thừa nhận những gì được in trên đó. Bà Nuland khẳng định về khía cạnh luật pháp, bản đồ trên hộ chiếu của Trung Quốc không phải là một trong các tiêu chí đánh giá về tính hợp lệ để được cấp visa hoặc để được vào Mỹ hay không.

Mỹ không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng quan tâm đến châu Á - Thái Bình Dương, hiện xem khu vực này là trọng tâm trong chiến lược ngoại giao, thương mại, gắn liền với lợi ích quốc gia của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Hãng AP cho rằng, sự can thiệp của Mỹ sẽ không được Bắc Kinh hoan nghênh. Động thái vô lý của Trung Quốc cũng đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của nhiều nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, trong đó có Việt Nam và Philippines. Chính phủ Manila đã chính thức lên tiếng phản đối đường lưỡi bò. Trong khi đó, Ấn Độ phản đối việc Trung Quốc đưa 2 vùng đất mà New Delhi tuyên bố chủ quyền là Aksai Chin và Arunachal Pradesh vào bản đồ. Đài Loan cũng lên tiếng chỉ trích tấm bản đồ in trên hộ chiếu.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á ở Đại học New South Wales (Úc) cho rằng, Trung Quốc luôn tiến từng bước trong việc hiện thực hóa tham vọng đối với “đường lưỡi bò”, nhưng lần này chính người Trung Quốc sẽ phải gánh hậu quả. Công dân Trung Quốc chắc chắn gặp rắc rối khi đến những nước có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mâu thuẫn với bản đồ trên hộ chiếu mới và như vậy, người Trung Quốc sẽ bị cô lập.

Ngay chính các học giả Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối động thái phi lý của Bắc Kinh. Báo Global Times dẫn lời các học giả Trung Quốc cho rằng, bản đồ in trên hộ chiếu không làm thay đổi thực trạng các vùng lãnh thổ hiện nay.

Tổng Thư ký ASEAN sắp mãn nhiệm Surin Pitsuwan cũng bày tỏ quan ngại đối với tranh chấp trên Biển Đông. Theo ông Pitsuwan, Biển Đông có thể trở thành một Palestine khác nếu các quốc gia không nỗ lực hơn để tháo gỡ ngòi nổ thay vì làm căng thẳng leo thang.

Phát biểu của ông Pitsuwan đăng trên Báo Financial Times ngày 27-11, trong đó vị quan chức của ASEAN nói rằng, Campuchia phải tự cân bằng trong bối cảnh căng thẳng. Ông cũng nhấn mạnh để tránh xung đột, ASEAN và Trung Quốc cần nhất trí về một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc khiến các nước không tìm cách chiếm đảo, các mỏ dầu hay những ngư trường. Nhưng điều này là một thách thức lớn khi các định chế chính trị và cơ chế giải quyết tranh chấp ở châu Á vẫn còn chưa phát triển tương xứng với sự vươn lên về kinh tế.

PHÚC NGUYÊN tổng hợp

;
.
.
.
.
.