.

Niềm tin mong manh ở Gaza

.

Với sự bảo trợ của Ai Cập, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hamas ở Gaza đã đạt được vào đêm 21-11 (sáng 22-11, giờ Việt Nam) sau 8 ngày xung đột. Song, thỏa thuận này sẽ kéo dài bao lâu thì chưa rõ, bởi cả hai bên ở trên những vùng đất được phân cách bằng biên giới dài 51km đều thiếu niềm tin lẫn nhau.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp gỡ Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi (bìa phải) và Ngoại trưởng Mohammed Kamel Amr (bìa trái) tại Cairo.                                                                         Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp gỡ Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi (bìa phải) và Ngoại trưởng Mohammed Kamel Amr (bìa trái) tại Cairo. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, 8 ngày, 162 người dân Gaza và 5 người Israel thiệt mạng, trong đó có 37 trẻ em cùng hơn 900 người bị thương là những con số không nhỏ. Dải đất Gaza thừa bạo lực này thật sự làm dấy lên những quan ngại khi nạn nhân chính là 1,6 triệu người dân Palestine vốn chật vật xoay xở trong suốt 6 năm bị cô lập và luôn rơi vào trạng thái bất an với các cuộc không kích bất ngờ của Israel.

Dải Gaza rộng 360km2, là phần lãnh thổ tách rời Palestine. Đây là dải đất hẹp ven biển dọc Địa Trung Hải ở khu vực Trung Đông, được đặt tên theo thành phố chính Gaza. Năm 2007, Palestine bị chia cắt, Bờ Tây do Fatah quản lý, còn Gaza do Hamas kiểm soát. Israel từ đó đã phong tỏa toàn bộ Dải Gaza.

Trong những ngày qua, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có những nỗ lực ngoại giao con thoi để “hạ nhiệt” Gaza. Từ thủ đô Phnom Penh của Campuchia, bà Clinton bỏ dở chuyến công du châu Á với Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến thành phố Ramallah để gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đến Bờ Tây gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas rồi lại đến Cairo để hội đàm cùng Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi.

Đã có những thông tin và dự đoán rằng, không dễ gì đạt được thỏa thuận tại một trong những điểm xung đột lâu đời nhất thế giới. Nhưng nỗ lực của các nhà ngoại giao cùng sức ép của cộng đồng quốc tế đã khiến Israel phải lùi bước. Hamas cũng không có lý do gì tiếp tục đẩy căng thẳng leo thang hơn nữa. Reuters dẫn lời cựu thủ lĩnh của Hamas, Khaled Meshaal, rằng phong trào Hồi giáo cam kết tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn nếu Israel có động thái tương tự, nhưng lực lượng này cũng sẽ đáp trả với bất kỳ vi phạm nào.

Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu tuy nói rằng ông sẵn sàng cho Gaza một cơ hội nhưng vẫn để ngỏ khả năng nối lại xung đột. Như vậy cũng đủ thấy việc ngừng bắn chỉ là động thái tạm thời và rất đỗi mong manh bởi cả phía Israel lẫn Hamas đều có sự nghi kỵ, phòng ngừa lẫn nhau, chứ không phải là “nền an ninh bền vững” như lời Ngoại trưởng Clinton.

Tình hình Gaza tạm lắng xuống không thể không kể đến sự góp sức của Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi. Đóng vai trò là trung gian hòa giải khu vực, ông Morsi đã giành được lòng tin của cả Mỹ lẫn Israel mặc dù nhà lãnh đạo Cairo không hề gặp trực tiếp bất kỳ quan chức nào đến từ Tel Aviv.

Về phía Israel, đằng sau ý định của Thủ tướng Netanyahu trong việc tấn công Gaza là dùng xung đột này để củng cố liên minh tranh cử của ông và Ngoại trưởng Avigdor Lieberman trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 1-2013. Việc “mạnh tay” với Hamas sẽ giúp ông Netanyahu “ghi điểm” ở trong nước. Vì vậy, ông chẳng ngại ngần gì việc “ăn miếng trả miếng” đối với Hamas, dù cả hai đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn không chính thức vào ngày 25-10 vừa qua, đồng thời bất chấp cả những cảnh báo của nhiều nước rằng động thái đổ bộ vào Gaza sẽ hủy hoại Israel.

Trước đó, ông Netanyahu không những không thể thuyết phục được Mỹ tham gia cuộc chiến chống Iran mà còn tạo ra mâu thuẫn, làm rạn nứt quan hệ đồng minh với cường quốc hàng đầu thế giới.

Còn với Hamas, cuộc xung đột này chưa hẳn bất lợi. Bằng các chuyến thăm thể hiện tình đoàn kết với các nước Arab, Hamas đã và đang tạo ra vị thế mới của mình khi phần nào phá được sự bao vây, cô lập của Israel suốt 6 năm qua. Tel Aviv đã phải chấp nhận mở cửa biên giới với Dải Gaza cho giao thương và đi lại. Đó là thắng lợi lớn của Hamas. Chưa kể đến việc từ cuộc xung đột này, Hamas và Fatah biết đâu sẽ xích lại gần nhau, xóa tranh chấp, bỏ đối đầu để cùng hướng đến một Nhà nước Palestine.

“Một cái kết bền vững” với mục tiêu củng cố an ninh khu vực, “giúp đỡ sự an toàn, phẩm giá cùng những nguyện vọng chính đáng của người dân Palestine cũng như Israel” có thể đạt được nếu Tel Aviv và Hamas đều tuân thủ cam kết, nhưng sẽ đổ vỡ nếu một trong hai bên vi phạm.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.