.

Ohio, chiến trường cuối cùng của hai ứng viên tổng thống

.

(ĐNĐT) - Trong lúc cử tri Mỹ đang bỏ phiếu thì tại bang Ohio, hai phe tranh cử tiếp tục có những nỗ lực vào phút cuối để giành giật chiến thắng từ chiến trường quan trọng này trong cuộc đua vào Nhà Trắng vốn đã kéo dài gần hai năm và ngốn một nguồn kinh phí kỷ lục hơn 2 tỷ USD.

 Ứng cử viên đảng Cộng Hòa, Mitt Romney và phu nhân là Ann Romney bỏ phiếu tại Belmont, Massachusetts vào sáng ngày 6-11-2012.  Ảnh: AFP
Ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney và phu nhân là Ann Romney bỏ phiếu tại Belmont, Massachusetts vào sáng ngày 6-11-2012. Ảnh: AFP

Phó Tổng thống Joe Biden đã đến thành phố Cleveland của Ohio trong một chuyến thăm bất ngờ sau khi ứng cử viên Mitt Romney đến đó trong một chặng dừng chân theo dự định.

Theo chân ông Biden, người cùng tranh cử với ông Romney là Paul Ryan cũng đã bay tới tiếp tay cho ông Romney trong những “cú đấm” cuối cùng tại bang công nghiệp miền trung tây này của nước Mỹ, nơi từng chọn lựa người thắng cuộc trong 12 cuộc bầu cử tổng thống trước đó.

Theo Washington Post, Phó Tổng thống Biden đã thăm một nhà hàng địa phương với gia đình mình, chụp  ảnh và nói chuyện với cử tri.

Vào sáng thứ Ba, ông Biden đã đi bỏ phiếu tại bang quê nhà Delaware, có lẽ ông sẽ cùng Tổng thống Barack Obama đợi kết quả bỏ phiếu chung cuộc tại Chicago.

Tại Chicago, ông Obama đã gặp gỡ những tình nguyện viên của mình và cảm ơn việc làm của họ, ông nói rằng ông muốn có “một buổi tối tốt lành” vào cuối ngày bầu cử.

Ông Obama cũng chúc mừng ông Romney về một “chiến dịch tranh cử đầy hăng hái” và cũng bày tỏ tin tưởng mình sẽ đảm bảo được tái đắc cử.

“Chúng tôi cảm thấy tự tin rằng chúng tôi đã có được những lá phiếu để giành chiến thắng”, ông Obama nói với các phóng viên.

Trong khi ông Obama là tổng thống đương nhiệm đầu tiên có lợi thế bỏ phiếu sớm vào tháng trước, thì ông Romney cùng vợ bỏ phiếu vào lúc 9 giờ 00 sáng 6-11 tại Belmont, Massachusetts, bang mà ông từng làm thống đốc.

Cuộc bầu cử được quyết  định bởi các đại cử tri. Mỗi bang có số phiếu đại cử tri tương đương với tỷ lệ dân số của bang đó. Ứng cử viên có được 270 phiếu đại cử tri nghĩa là người thắng đa số phiếu ở các bang, sẽ trở thành tổng thống.

Cũng trong cuộc bầu cử ngày 6-11, 11 vị thống đốc bang, 1/3 số ghế của 100 thượng nghị sĩ và toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện cũng được bầu.

Người ta dự đoán đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục kiểm soát Hạ viện, trong khi phe Dân chủ sẽ kiểm soát Thượng viện. 

Cũng vào ngày 6-11, bà của  ông Obama, Sarah Obama, cũng bày tỏ tin tưởng rằng cháu của mình sẽ được tái đắc cử.

Từ làng K’Ogello ở Kenya, nơi mà người dân theo dõi sát sao cuộc bầu cử tại Mỹ, bà Sarah đã cầu nguyện cho cháu mình, cho rằng, cách lãnh đạo duy nhất của ông trong việc đoàn kết mọi màu da là nhân tố then chốt cho việc tái đắc cử.

“Khả năng lãnh đạo mà ông ấy dùng để đoàn kết mọi màu da tại Mỹ là nguyên nhân ông được mọi người thích”, cụ bà 90 tuổi nói.

Trong khi đó, hơn 12 triệu cử tri gốc Bồ Đào Nha, gồm Mexico, Puerto Rico, và cả người Cuba cũng là một nhân tố quan trọng để quyết định ai sẽ là tổng thống kế tiếp.

Theo Cục dân số Mỹ, cộng đồng gốc Bồ Đào Nha hiện chiếm tới 16% tổng dân số Mỹ, sự chọn lựa của họ cũng khá quan trọng tại các bang tranh chấp như Nevada, Colorado, Florida và Virginia, là những khu vực bầu cử của cử tri gốc Bồ Đào Nha khá lớn.

Một cuộc thăm dò mới đây do tập đoàn truyền thông của cộng đồng gốc Bồ Đào Nha ImpreMedia và nhà thăm dò ý kiến LatinoDecisions cho thấy, 73% cử tri đã đăng ký gốc Bồ sẽ ủng hộ ông Obama, trong khi đó chỉ có 24% cho ông Romney.

Quang Hiển (theo THX, BBC)

;
.
.
.
.
.