Palestine mong muốn 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ chấp nhận lãnh thổ này là Nhà nước quan sát viên, bất chấp sự phản đối của Mỹ và Israel.
Người dân Palestine ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Abbas tại Đại hội đồng LHQ. Ảnh: Reuters |
Chiều 29-11 (giờ New York), Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu để nâng vị thế của Palestine từ một quan sát viên lên Nhà nước quan sát viên phi thành viên. Sự kiện này diễn ra sau một tuần Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn, kết thúc 8 ngày giao tranh ở Dải Gaza. Ngày 29-11 cũng là Ngày Quốc tế độc lập của người Palestine.
Ông Riyad Mansour, quan sát viên của Palestine tại LHQ nói rằng, Nghị quyết được thông qua là “thời khắc lịch sử” đối với người dân nước này. Reuters cho biết, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã giành được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo châu Âu mặc dù trước đó ông thất bại trong việc tìm kiếm sự công nhận Nhà nước độc lập. Các nước cam kết ủng hộ tư cách Nhà nước quan sát viên của Palestine gồm: Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Áo, Phần Lan, Hy Lạp, Iceland, Luxembourg, Malta… Các nước phản đối gồm: Mỹ, Israel, Đức, Canada, Hà Lan, Úc… Để trở thành một Nhà nước thành viên của LHQ, Palestine cần được Hội đồng Bảo an LHQ phê chuẩn. Tuy nhiên, trong các cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ, chẳng hạn như lần này, thì không có quyền phủ quyết như ở Hội đồng Bảo an LHQ. Nghị quyết được Đại hội đồng LHQ thông qua khi có đa số phiếu ủng hộ.
LHQ công nhận Palestine là Nhà nước quan sát viên thì vị thế của lãnh thổ này sẽ được nâng lên như Vatican - cũng là một Nhà nước quan sát viên phi thành viên. Nỗ lực của Tổng thống Abbas thành công sẽ làm tăng sức mạnh cho các tuyên bố của Palestine về một Nhà nước ở Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem - các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến Trung Đông vào năm 1967. Người Palestine cho rằng, họ cần được LHQ công nhận là Nhà nước ở những khu vực này và nỗ lực của ông Abbas cũng nhằm cứu vãn hòa bình Trung Đông. Vị trí Nhà nước quan sát viên có thể giúp Palestine tiếp cận các cơ quan quốc tế, trong đó có Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), để chống lại Israel. Các cuộc đàm phán về hòa bình giữa Israel và Palestine bị ngưng trệ trong 2 năm nay, chủ yếu do Israel mở rộng tái định cư tại Bờ Tây. Trong dự thảo Nghị quyết trình Đại hội đồng LHQ, người Palestine cam kết tái khởi động tiến trình hòa bình sau khi được công nhận tư cách Nhà nước quan sát viên.
Saeb Erekat, trợ lý của Tổng thống Abbas cho biết, Mỹ - đồng minh thân thiết nhất của Israel - muốn nhà lãnh đạo này ngừng việc tìm kiếm sự ủng hộ của thế giới. Song, ông Abbas đã từ chối đề nghị của Washington. Quốc hội Mỹ thậm chí đe dọa sẽ trừng phạt tài chính nếu người Palestine vẫn muốn thúc đẩy vị trí tại LHQ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tái khẳng định cảnh báo của cường quốc hàng đầu thế giới rằng, động thái của ông Abbas có thể dẫn đến việc Washington giảm ủng hộ về kinh tế cho người Palestine.
Sau khi Palestine gia nhập UNESCO vào năm ngoái, Mỹ đã rút các khoản tài trợ vốn chiếm 22% ngân sách của tổ chức văn hóa thế giới này. Israel đáp trả bằng cách đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư và rút lại các khoản viện trợ cho Chính phủ Palestine.
BÌNH YÊN