.

Tập Cận Bình: Từ "hoàng tử đỏ" đến nhà lãnh đạo Trung Quốc

.

(ĐNĐT) - Tập Cận Bình năm nay 59 tuổi, là thế hệ lãnh đạo thứ năm ở Trung Quốc, thế hệ sau Cách mạng 1949 đầu tiên lên nắm quyền.

Phó Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình

Sau hàng loạt các bước, Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Trung Quốc kể từ năm 2008, được dự kiến bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc trong kỳ đại hội 18, khai mạc ngày 8-11 để rồi vào tháng 3 tới sẽ là Chủ tịch nước thay thế ông Hồ Cẩm Đào.

Cũng như tất cả lãnh đạo Trung Quốc, các chi tiết về cuộc đời của Tập Cận Bình được chính phủ kiểm soát chặt chẽ và người ta khó mà có được những chi tiết về đời tư của ông do nhạy cảm chính trị.

Sinh năm 1953, ông Tập Cận Bình là con trai của Tập Trọng Huân, Phó Thủ tướng dưới thời Chu Ân Lai và Phó chủ tịch Quốc hội trước khi bị thất sủng vào năm 1962.

Cho đến thời điểm đó, Tập Cận Bình lớn lên trong điều kiện của một “hoàng tử đỏ” của giới quyền lực tại Trung Nam Hải, cùng với các cậu ấm khác của thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc. Một trong số đó là Bạc Hy Lai, con trai của Bạc Nhất Ba, Bộ trưởng tài chính đầu tiên, người cũng bị thất sủng trong Cách mạng Văn hóa.

Cuộc đời của các cậu ấm này tiện nghi và xa cách với nạn đói khủng khiếp trong suốt chiến dịch “Đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông (1958-1962), được thiết kế để chuyển đất nước vào một xã hội công nghiệp.

Tuy nhiên, vài năm sau, Tập Cận Bình lại nằm trong 30 triệu thanh niên phải rời thành thị về miền quê và vùng núi để lao động theo chính sách của Mao Trạch Đông. Từ 1969 đến 1975, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, Tập là một nông dân tại Lưỡng Gia Hòa, Thiểm Tây, quê hương ông.

Cheng Li, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu John L. Thornton tại Viện Brookings, cho rằng thế hệ  đó đi qua nhiều khó khăn. Chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa thực dụng đã hình thành nên thế hệ này.

Kinh nghiệm đã gây ảnh hưởng tích cực lên quan điểm của ông Tập Cận Bình về  Trung Quốc và thế giới, theo Guo Yanjun, Chủ  tịch CNKH Media, nhà xuất bản cuốn “Tương lai Trung Quốc: Tiểu sử Tập Cận Bình”.

Sau khi Mao qua đời vào năm 1976, cha của Tập Cận Bình đã được trọng dụng trở lại và trở thành Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, nơi ông giám sát các khu kinh tế đặc biệt đầu tiên của Trung Quốc gần Hong Kong, một trong những cải cách mà sau này hình thành nên di sản kinh tế của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.

Sau khi tốt nghiệp đại học Thanh hoa với bằng kỹ sư hóa vào năm 1979, Tập Cận Bình trở thành thư ký riêng cho đồng chí của cha mình là Cần Biểu và trở thành một  sĩ quan quân đội.

Với vai trò là Phó thủ  tướng, thường trực Bộ chính trị Trung Quốc, Bí thư Quân ủy Trung ương, ông Cần “nắm chắc Đảng, chính quyền và quân đội”, theo “Tương lai Trung Quốc”, đã đem lại cho Tập Cận Bình những lợi điểm hiếm thấy.

Theo Chi Wang, Chủ tịch Quỹ chính sách Mỹ-Trung, những mối quan hệ quân đội, gia đình và nghề nghiệp đã tạo cho Tập Cận Bình những thứ mà cả Hồ Cẩm Đào lẫn người tiền nhiệm Giang Trạch Dân không có, đó là “quân đội coi ông như một thành viên trong gia đình”.

Năm 1982, khi cha mình bước chân vào Bộ  Chính trị và Ban Bí thư, Tập Cận Bình trở thành Phó bí thư huyện tại Chính Định, tỉnh Hà Bắc, nơi ông trải nghiệm đời sống chính trị nông thôn đầu tiên.

Với chức vụ này, Tập Cận Bình đã lần đầu tiên sang Mỹ với tư cách một phái đoàn nông nghiệp vào năm 1985 tới bang Iowa và mang về các kiến thức công nghệ nông nghiệp cũng như du lịch.

Theo Pin Ho, Chủ tịch Mirror Books, nơi xuất bản “Tiểu sử Tập Cận Bình” vào năm nay, nhận định rằng: “Nói thẳng ra, ông ấy là một nhà theo chủ nghĩa dân tộc. Về mặt tâm lý, ông ấy hy vọng lớn về việc giữ quan hệ tốt với phương tây, đặc biệt là Mỹ”.

Vào tháng 2 năm nay, Tập Cận Bình có bài diễn văn về một chính sách lớn tại Washington, kêu gọi tăng cường niềm tin chiến lược và giảm thiểu nghi ngờ trong khi tôn trọng lợi ích cốt lõi của nước khác.

Khi gián tiếp đề cập tới chiến lược tái cân bằng của ông Obama sang châu Á, Tập Cận Bình nói: “Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng lợi ích và lo lắng của Trung Quốc và các nước khác trong khu vực”.

David Lampton, Giám  đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Nghiên cứu quốc tế tiên tiến Johns Hopkins, cho rằng từ các cuộc đối thoại của ông với những người Mỹ, ai cũng cho là “người này có thể hợp tác được”.

Wang, Quỹ Chính sách Mỹ-Trung, cũng đồng quan điểm trên khi gọi Tập là “thư thái, nói chuyện rất cởi mở”.

Trong khi đó, “kinh nghiệm lãnh đạo của Tập Cận Bình (sau khi lãnh đạo tại Chính Định) trong việc vận hành 3 vùng kinh tế tiên tiến là Phúc Kiến, Triết Giang và Thượng Hải, đã chuẩn bị tốt cho ông theo đuổi các chính sách để thúc đẩy sự phát triển khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài và thương mại, và việc tự do hóa hệ thống tài chính Trung Quốc”, Cheng Li của Viện Brookings viết trên tập san Washington Quarterly bản mùa đông 2012.

Tuy vậy, việc thăng quan tiến chức của Tập cũng gặp không ít trắc trở.

Vào tháng 9, ông bỗng dưng “biến mất” trong hai tuần, hủy các cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ và các quan chức nước ngoài khác và việc này gây đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông cũng như đấu đá nội bộ.

Trong một cuộc phỏng vấn của Christian Amanpour của đài CNN, cựu Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Đổng Kiến Hoa cho biết, ông Tập bị đau lưng trong khi đi bơi.

Có hai thông báo đáng chú ý trong bản tin của Tân Hoa Xã hôm 28-9, cách nhau 3 phút, là “Đại hội khai mạc vào ngày 8-11” sau khi nhiều người đoán là trong tháng 10 và "Sa thải Bạc Hy Lai ra khỏi Đảng Cộng sản".

Toàn bộ nguyên nhân của việc sa thải Bạc Hy Lai, người từng được dự đoán sẽ là ủy viên Thường trực Bộ chính trị và cũng là người đã lãnh đạo chiến dịch chống các băng đảng tội phạm không thương tiếc tại Trùng Khánh, đã phơi bày những lo âu trước khi ông ta sụp đổ.

Sự nổi danh trong sạch của Tập Cận Bình được biết đến khi ông trở thành lãnh đạo của Thượng Hải sau khi người tiền nhiệm Trần Lương Vũ bị sa thải do bê bối ngân quỹ an sinh xã hội.

Mặc dù người ta không thấy dấu vết nào về của cải của Tập Cận Bình, vợ con ông ta, nhưng Bloomberg phát hiện rằng, họ hàng của ông có lợi ích trong các doanh nghiệp khai khoán, bất động sản và thiết bị điện thoại di động.

Tháng trước, Thủ  tướng Ôn Gia Bảo cũng đã bị New York Times tung tin là gia đình có hơn 2,7 tỷ USD và gia đình ông cũng đã chính thức phản bác tin tức trên.

Tập Cận Bình và các lãnh đạo mới sẽ phải chứng minh cho công luận tính nghiêm túc trong việc đấu tranh chống tham nhũng tràn lan, hay phải đối mặt với “những vẫn đề to lớn”.

Quang Hiển (lược dịch từ CNN)

Tập Cận Bình sinh ngày 1 tháng 6 năm 1953 tại Bắc Kinh, là con trai cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân, gia đình gốc ở Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

Ông tốt nghiệp Cử nhân Chính trị Học viện Khoa học Xã hội, Đại học Thanh Hoa, Kỹ sư Hóa chất, Thạc sỹ, Tiến sỹ Luật. Tháng 1 năm 1974, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 1 năm 1969, ông bắt đầu tham gia công tác trong chính quyền Trung Quốc

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 15, Ủy viên Chính thức Trung ương Đảng các khoá 16, 17. Tháng 10 năm 2007, tại Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc, được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương; được phân công kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.

Năm 2007, Bí thư Thành phố Thượng Hải (2007). Năm 1998-2002, tiếp tục học tại Đại học Thanh Hoa và lấy bằng Tiến sỹ Luật.

Ngày 15-3-2008, được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông được phân công làm Tổng Chỉ huy công tác tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008.

Ngày 18-10-2010, Hội nghị Toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5, khóa 17, Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh đã bầu Tập Cận Bình giữ chức Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung ương - đây là cơ quan chỉ đạo và quyết định mọi hướng đi của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

(Nguồn: Wikipedia)

 

;
.
.
.
.
.