.
Thế giới tuần qua

Hàn gắn hay chia rẽ?

.

Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cận kề thì những gì diễn ra trong những tuần qua làm dấy lên những quan ngại rằng, cuộc bỏ phiếu vào ngày 6-11 sẽ hàn gắn những bất đồng, dị biệt ngay trong chính nội bộ cường quốc hàng đầu thế giới, hay sẽ càng tạo ra chia rẽ?

Tổng thống Barack Obama, phu nhân Michelle cùng các con gái Sasha (trái) và Malia đang kỳ vọng tiếp tục ở lại Nhà Trắng.                                                                             Ảnh: AFP/Getty Images
Tổng thống Barack Obama, phu nhân Michelle cùng các con gái Sasha (trái) và Malia đang kỳ vọng tiếp tục ở lại Nhà Trắng. Ảnh: AFP/Getty Images

Thăm dò mới nhất do NBC News/Wall Street Journal/Marist tiến hành cho thấy, Tổng thống Barack Obama tiếp tục dẫn điểm trước đối thủ Cộng hòa Mitt Romney tại 2 bang chủ chốt là Ohio và Florida với tỷ lệ 51% - 45% ở Ohio, 49% - 47% ở Florida. Tuy nhiên, những con số sít sao này vẫn không dự báo người chiến thắng.

Giới quan sát cho rằng, sự chia rẽ ở đây là mỗi ứng viên và mỗi đảng đều cố lôi kéo cử tri để chống lại ứng viên và đảng bên kia. Sự công kích kịch liệt lẫn nhau trong 3 cuộc tranh luận trực tiếp giữa Tổng thống Obama và ứng viên Romney đã minh chứng điều này. Dù sau 3 cuộc tranh luận, ông Obama chiến thắng 2-1 nhưng thắng lợi này của ông hay của Romney (nếu có) cũng đều càng tạo ra sự đối đầu giữa 2 đảng và xét cho cùng thì chỉ khơi thêm mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ. Điều mà nhiều cử tri quan tâm là hình ảnh nước Mỹ như thế nào trong 4 năm tới, có thật sự thay đổi như thông điệp tranh cử và cam kết của 2 ứng viên hay không. Cuộc suy thoái ở quốc gia này đã chấm dứt, con số thất nghiệp đã hạ dần, Chính phủ cũng vừa công bố tạo ra thêm 171.000 việc làm trong tháng 10 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 7,9% (tháng 9) xuống còn 7,8% (tháng 10). Tuy nhiên, cử tri vẫn thấy bất ổn, và vẫn còn một bộ phận cử tri chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Bởi lẽ, họ sẽ lựa chọn một người muốn tăng thuế lên người dân, hay chọn người ủng hộ 1% giới nhà giàu?

Điều đáng nói là Đảng Dân chủ cầm quyền và Đảng Cộng hòa vốn ít khi tìm được tiếng nói chung đã đành, nay những người dân bình thường vốn ủng hộ mỗi bên cũng quay sang đối đầu nhau. Giới phân tích nhận định: Sự phân tuyến đang được thể hiện rất rõ và điều này không hề có lợi cho nước Mỹ.

Nhiều hãng tin cũng dẫn một số ý kiến cho rằng, Tổng thống Obama sẽ tái đắc cử. Là Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, ông đã trải qua một nhiệm kỳ đầy sóng gió. Gánh “di sản” khủng hoảng kinh tế của người tiền nhiệm G.W.Bush, ông Obama cùng nội các của mình phải nỗ lực chèo chống. Con số việc làm mới được tạo ra, cuộc tấn công tìm diệt Osama bin Laden, tìm cách kết thúc cuộc chiến kéo dài ở Afghanistan... có thể sẽ giúp ông chủ đương nhiệm của Nhà Trắng “ghi điểm”. Tuy nhiên, ứng viên Romney lại cho rằng, đối thủ của mình không thể truyền được nguồn cảm hứng nồng nhiệt như ông đã mang lại cách đây 4 năm, trong cuộc đua với Thượng nghị sĩ - ứng viên Cộng hòa John McCain. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp hiện tại cao hơn thời điểm ông Obama nắm quyền và vẫn có 23 triệu người Mỹ đang khó khăn tìm việc. Rồi một số “sự cố” sau siêu bão Sandy (chờ hàng cứu trợ quá lâu, mất điện, thiếu xăng) khiến người dân tức giận được cho là sẽ làm đắm “con thuyền Obama”. 

Thực tế, vào năm 2008, hầu hết cử tri Mỹ nhìn nhận rằng, chính sách của Đảng Cộng hòa đã khiến đất nước này rơi vào suy thoái, khơi mào cho thời kỳ kinh tế ảm đạm của toàn cầu. Vì vậy, cử tri đã không chọn ông McCain mà bỏ phiếu cho ông Obama. Hiện tại, khi “giờ G” đang rất gần, “kịch bản” bầu cử vẫn khó dự đoán.

Theo luật định, ghế Tổng thống Mỹ không do cử tri bầu trực tiếp mà thông qua 538 phiếu đại cử tri (bao gồm toàn bộ các ghế lập pháp liên bang: Hạ viện, Thượng viện, ghế ở thủ đô Washington). Trong ngày 6-11, ứng viên nào giành được quá bán tối thiểu 270 phiếu đại cử tri thì sẽ thắng cử.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.