.

Trung Quốc đối mặt thách thức chưa từng có

.

Phát biểu trong phiên khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh ngày 8-11, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cảnh báo nước này đang đối mặt những thách thức to lớn.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại phiên khai mạc Đại hội.  					        				               Ảnh: THX
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại phiên khai mạc Đại hội. Ảnh: THX

Tổng Bí thư, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã phát biểu trước hơn 2.300 đại biểu thuộc 38 đoàn, đại diện cho hơn 82 triệu đảng viên Trung Quốc. Sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng này đánh dấu chuyển giao lãnh đạo sau 10 năm và hoạch định chiến lược phát triển cho 10 năm tới.

Hãng AP cho rằng, bài phát biểu kéo dài 90 phút là cơ hội để Tổng Bí thư, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khẳng định “di sản” của mình là “thập niên vàng” trước khi chuyển giao cho người kế nhiệm: Phó Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong “thập niên vàng” của ông Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tham nhũng đe dọa sự tồn vong của Đảng

Hãng Reuters cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khẳng định thành tựu dưới thời của mình. Ông nói rằng, Trung Quốc đã vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, đạt được những thành công mới trong việc xây dựng một xã hội hiện đại, thịnh vượng. Song, ông cũng nói đến “những cơ hội phát triển cùng những rủi ro, thách thức chưa từng có”. Ông vạch ra phương pháp tiếp cận tổng thể với đường lối hiện đại hóa của Trung Quốc, nhấn mạnh sự phát triển trên 5 phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và sinh thái. “Thời điểm hiện tại, khi môi trường toàn cầu, đất nước và Đảng đang trải qua những đổi thay sâu sắc, chúng ta đang đối mặt với những cơ hội phát triển cùng với rủi ro, thách thức chưa từng có”, Chủ tịch Trung Quốc nói.

Ông Hồ Cẩm Đào cam kết thúc đẩy cải cách chính trị, chống tham nhũng mà ông gọi đây là mối đe dọa đối với sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vấn nạn này đã và đang làm công chúng tức giận, nhất là sau những bê bối liên quan đến ông Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy thành phố Trùng Khánh cùng vợ là bà Cốc Khai Lai. Theo đó, cần có luật hiệu quả hơn và cần có quy định loại bỏ những xung đột lợi ích, để “không ai đứng trên luật pháp”...

Cũng theo ông Hồ Cẩm Đào, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đấu tranh chống những bất ổn của xã hội đang gia tăng, đồng thời gọi vụ việc Bạc Hy Lai là “bài học sâu sắc” trong Đảng. “Nếu chúng ta thất bại trong việc đối phó với tham nhũng, điều này có thể hủy hoại Đảng, thậm chí gây sụp đổ Đảng, làm sụp đổ Nhà nước”, ông nhấn mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào còn đề cập đến việc cải cách cấu trúc chính trị và xem đây là một phần quan trọng trong việc cải cách tổng thể đất nước Trung Quốc, để bảo đảm tính minh bạch hơn, dân chủ hơn.

Tăng gấp đôi GDP trong năm 2020

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc diễn ra chậm trong những tháng gần đây và khoảng cách giàu - nghèo là vấn đề được quan tâm lớn, trong lúc xảy ra tình trạng dân số già hóa ở quốc gia châu Á này. Reuters cho biết, 2 quý trước khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 18, lần đầu tiên sau 3 năm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc quay trở về dưới ngưỡng 8%/năm.

Theo ông Hồ Cẩm Đào, mô hình tăng trưởng kinh tế mới cần đáp ứng các thách thức trong nước và toàn cầu. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 phải tăng GDP của năm 2010 và thu nhập bình quân đầu người của cả thành thị lẫn nông thôn lên gấp đôi. AP cho biết, đây là lần đầu tiên thu nhập bình quân đầu người được đề cập trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Các mục tiêu trước đó tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 16 và 17 chỉ tập trung vào việc tăng trưởng GDP, chứ không nhắc đến thu nhập bình quân đầu người. Để hiện thực hóa mục tiêu kinh tế, ông Hồ Cẩm Đào nói rằng, cần có sự đóng góp của khoa học, công nghệ.

Chính phủ Trung Quốc trước đó đã đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay ở mức 7,5% và duy trì mức tăng trung bình năm 7% trong suốt thời gian thực hiện Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 12.

Cũng trong năm 2020, Trung Quốc cũng sẽ cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, mở rộng đáng kể ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chất lượng đô thị hóa. Ngoài ra, nông nghiệp cũng được hiện đại hóa, thúc đẩy sự phát triển cân bằng giữa các khu vực. “Chúng ta phải đặt mục đích cao hơn và nỗ lực hơn, tiếp tục theo đuổi sự phát triển trong khoa học, thúc đẩy hài hòa xã hội và cải thiện cuộc sống”, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh.

Thế hệ lãnh đạo thứ năm

Trong cuộc chuyển giao quyền lực nhân Đại hội Đảng lần này, đáng chú ý nhất là Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được dự kiến thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và sẽ chính thức đảm nhận nhiệm vụ vào tháng 3-2013.

Ông Tập Cận Bình, hiện 59 tuổi, là con trai của cựu Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân. Ông theo học Trường ĐH Thanh Hoa danh tiếng ở Trung Quốc. Năm 1985, ông nhận chức Phó Thị trưởng thành phố cảng Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Những năm sau đó, ông nỗ lực tạo dựng hình ảnh, danh tiếng bằng việc thu hút đầu tư và trở thành lãnh đạo cao nhất của tỉnh Chiết Giang rồi làm lãnh đạo ở Thượng Hải trước khi được điều động đến Bắc Kinh...

Giới phân tích cho rằng, trên cương vị mới, ông Tập Cận Bình sẽ đương đầu với rất nhiều thách thức lớn: nền kinh tế đang đi chậm lại, dân số đang già hóa, sự phân cực xã hội ngày càng lớn khi có hàng triệu triệu phú USD và cũng có 150 triệu người đang sống mức 1 USD/ngày. Ông Tập Cận Bình cũng sẽ đối mặt với hàng loạt vấn đề quốc tế, trong đó có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Nhật Bản trên biển Hoa Đông, giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á trên Biển Đông...

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.