.

Trung Quốc tập trận đổ bộ tái chiếm đảo Biển Đông

.

Reuters dẫn lại tin của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, Hạm đội Nam Hải của Hải quân nước này mới đây đã tiến hành cuộc tập trận đổ bộ tại các vùng biển thuộc Biển Đông.

Đây là một bước đi gây lo ngại cho các nước láng giềng đang bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, đặc biệt là Việt Nam, giữa bối cảnh các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên ngày 29-10 vừa nhất trí duy trì đà tham vấn về các quy định mang tính ràng buộc nhằm kiềm chế cách ứng xử của các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
 
Cuộc tập trận bao gồm nội dung bố trí đội hình các tàu khu trục, tàu khu trục nhỏ, tàu đổ bộ, tàu ngầm và đội hình này đã lần đầu tiên thực hành việc sử dụng thiết bị giao thoa điện tử.
 
Ngoài ra, một quả tên lửa cũng được phóng đi để diễn tập khả năng phòng thủ trước các máy bay và tên lửa đang bay tới. Tiếp sau đó, cụm pháo đặt trên các tàu đã khai hỏa nhằm vào những mục tiêu cố định trên bờ.
 
Dưới sự yểm trợ của đội hình tàu chiến nói trên, các xe bọc thép đổ bộ, xuồng cao tốc và tàu đệm khí đã mở đợt tấn công cuối cùng vào các mục tiêu của đối phương và giành lại các đảo do lực lượng đối phương chiếm giữ.
 
Ngày 19-7-2012, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa,” đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, và việc ngày 21-7-2012 phía Trung Quốc đã tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa.”
 
Trước những hành động này, ngày 24-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa' và triển khai các hoạt động nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và là vô giá trị. Những hoạt động này của Trung Quốc trái ngược với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10-2011; đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp."
 
Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động nói trên của Trung Quốc; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Vietnam+

;
.
.
.
.
.