.

10 sự kiện thế giới 2012

.

(Báo Đà Nẵng bình chọn)

Năm 2012, hàng loạt sự kiện đã diễn ra trên các châu lục, từ việc các nước thay đổi lãnh đạo đến căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên biển, khủng hoảng tài chính, nội chiến... Những sự kiện này được dự báo tiếp tục có ảnh hưởng trong năm 2013.

1) Thay đổi lãnh đạo ở một số nước

Bà Park Geun-hye (giữa) là nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.                                     Ảnh: AP
Bà Park Geun-hye (giữa) là nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Ảnh: AP

Hàng loạt cuộc bầu cử đã dẫn đến việc thay đổi lãnh đạo ở nhiều quốc gia. Tại Nga, ông Vladimir Putin trở lại Điện Kremlin sau 4 năm làm Thủ tướng. Tại Pháp, với chiến thắng của ông Francois Holland, đất nước này có Tổng thống đầu tiên thuộc Đảng Xã hội sau 17 năm. Tại Hàn Quốc, cuộc bầu cử ngày 19-12 đưa bà Park Geun-hye trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử quốc gia châu Á này. Tại Nhật Bản, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) vượt qua Đảng Dân chủ (DPJ) để trở lại nắm quyền dưới sự lãnh đạo của ông Shinzo Abe...

Riêng Tổng thống Barack Obama tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu ngày 6-11 mặc dù cử tri vẫn thất vọng về ông khi nền kinh tế Mỹ phục hồi chậm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Với nội các mới, ông Obama chọn Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện John Kerry làm Ngoại trưởng, thay thế bà Hillary Clinton.

Trung Quốc cũng chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào tháng 11-2012, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đã được bầu làm Tổng Bí thư Đảng, đứng đầu thế hệ lãnh đạo thứ năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thay thế ông Hồ Cẩm Đào. Ông Tập Cận Bình sẽ trở thành Chủ tịch nước vào tháng 3-2013. Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng dự kiến thay thế người đứng đầu Chính phủ đương nhiệm Ôn Gia Bảo vào tháng 3 tới.

2) Biển Đông và biển Hoa Đông căng thẳng

Tàu cá Trung Quốc tại cảng Tam Á ở Hải Nam chuẩn bị xuất phát đến Biển Đông. 				          Ảnh: THX
Tàu cá Trung Quốc tại cảng Tam Á ở Hải Nam chuẩn bị xuất phát đến Biển Đông. Ảnh: THX

Trong tranh chấp chủ quyền với một số nước ASEAN trên Biển Đông, Trung Quốc vô cớ có hàng loạt hành động như thiết lập quân đội đồn trú tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên Biển Đông, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời các công ty nước ngoài thầu 9 lô dầu khí trong phạm vi đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, in bản đồ “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu... Philippines phản ứng quyết liệt với những hành động của Trung Quốc khi cả hai đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi đá cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham).

Trong lúc đó, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhất là sau khi Chính phủ Tokyo quốc hữu hóa 3/5 đảo thuộc quần đảo này. Các tàu hải giám và tàu cá của Trung Quốc liên tục xuất hiện tại biển Hoa Đông, đồng thời Bắc Kinh cũng hoãn tổ chức các sự kiện kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Mối quan hệ giữa 2 cường quốc châu Á được dự báo sẽ tiếp tục “đóng băng” khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố giữ quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh và vấn đề chủ quyền là không thể thương lượng.

3) ASEAN lần đầu tiên không ra được thông cáo chung

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ hai, từ phải sang, hàng trước) và người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton tại AMM 45.  Ảnh: AFP
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ hai, từ phải sang, hàng trước) và người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton tại AMM 45. Ảnh: AFP

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM 45) bế mạc ngày 13-7 tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) mà không đưa ra được một thông cáo chung - điều chưa từng xảy ra trong lịch sử gần nửa thế kỷ hình thành và hoạt động của ASEAN. Campuchia - Chủ tịch AMM 45 tuyên bố nguyên nhân không thể ra thông cáo chung do xung đột ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham chỉ là xung đột song phương giữa một vài quốc gia thành viên ASEAN và một nước láng giềng nên Phnom Penh phản đối đề cập đến xung đột này trong thông cáo chung.

Tuy nhiên, nhiều thành viên ASEAN lại cho rằng, chính vai trò điều phối của nước Chủ tịch Campuchia đã khiến quá trình đạt được tiếng nói chung về Biển Đông của ASEAN đã không trôi chảy.

4) Châu Âu tiếp tục khủng hoảng nợ công

Biểu tình tại Athens nhằm phản đối EU và Chính phủ Hy Lạp.  				         Ảnh: Reuters
Biểu tình tại Athens nhằm phản đối EU và Chính phủ Hy Lạp. Ảnh: Reuters

Kinh tế châu Âu kết thúc năm 2012 với một số tín hiệu tích cực khi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận về giám sát ngân hàng và một số gói cứu trợ kinh tế cho Hy Lạp. Đây được xem là thỏa thuận quan trọng góp phần giải quyết khủng hoảng nợ công châu Âu.

Song, năm 2012 đánh dấu sự lao đao về tài chính của khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Các thành viên eurozone chưa bao giờ chứng kiến nguy cơ phá sản và bị “trục xuất” khỏi khối cận kề và liên tiếp như vậy (trường hợp Hy Lạp).

Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ kéo dài 5 năm, thậm chí lâu hơn nữa. Và đối với Hy Lạp, năm 2013 có thể sẽ sáng sủa hơn nhưng Athens sẽ đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp nhiều khả năng lên đến 26%.

Song, việc EU được trao giải Nobel Hòa bình giữa khủng hoảng đã gây ra nhiều tranh cãi.

5) CHDCND Triều Tiên 2 lần thử tên lửa

Tên lửa Unha-3 rời bệ phóng, tháng 12-2012.                                                        Ảnh: AP
Tên lửa Unha-3 rời bệ phóng, tháng 12-2012. Ảnh: AP

Tháng 4-2012, CHDCND Triều Tiên thử tên lửa 3 tầng Unha-3 nhưng bị nổ tung ngay sau khi phóng và rơi xuống Hoàng Hải. Đến ngày 12-12, Bình Nhưỡng bất ngờ tuyên bố đã phóng thành công tên lửa tầm xa Unha-3, đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo. Mỹ cùng các đồng minh châu Á tin đây là nỗ lực nhằm ngụy trang cho việc thử tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tiến đến lục địa Mỹ.

Giới phân tích cho rằng, việc phóng tên lửa thành công củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, nâng cao uy tín của ông, đồng thời làm các nước đối đầu với CHDCND Triều Tiên lo ngại bởi sự tiến bộ lớn về công nghệ tên lửa của nước này.

6) Khủng hoảng ở Syria leo thang

Tuần hành ở Quảng trường Sabaa Bahrat tại Damascus ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad.                                                            Ảnh: Reuters
Tuần hành ở Quảng trường Sabaa Bahrat tại Damascus ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Ảnh: Reuters

Cuộc khủng hoảng kéo dài 21 tháng trở nên “tụt dốc không phanh” khi lực lượng nổi dậy đối đầu cùng quân Chính phủ với các cuộc giao tranh quyết liệt. Điều này khiến Syria rơi vào cơn biến động về chính trị, xã hội và quân sự lớn nhất từ trước đến nay. Người dân Syria cũng đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có.

LHQ nỗ lực cử các đặc sứ đến Syria nhưng thất bại vì các bên tham chiến ở Syria vẫn hoài nghi lẫn nhau, và cộng đồng quốc tế vẫn chia rẽ về một giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.

7) Palestine trở thành Nhà nước quan sát viên LHQ

Người Palestine reo hò chiến thắng.                             Ảnh: Reuters
Người Palestine reo hò chiến thắng. Ảnh: Reuters

Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu nâng vị thế của Palestine từ một quan sát viên lên Nhà nước quan sát viên phi thành viên, bất chấp phản đối từ Mỹ và Israel. Vị trí Nhà nước quan sát viên có thể giúp Palestine tiếp cận các cơ quan quốc tế, trong đó có Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), để chống lại Israel. Tổng thống Mahmoud Abbas gọi việc được nâng cấp lên Nhà nước quan sát viên là “giấy khai sinh” cho Palestine và đây là hy vọng cuối cùng cho giải pháp “2 Nhà nước” với Israel. Ông cũng khẳng định Palestine vẫn tiếp tục nỗ lực để trở thành một Nhà nước được công nhận đầy đủ.

8) Vụ Bạc Hy Lai gây chấn động Trung Quốc

Ông Bạc Hy Lai và bà Cốc Khai Lai.             Ảnh: Reuters
Ông Bạc Hy Lai và bà Cốc Khai Lai. Ảnh: Reuters

Bí thư Thành ủy thành phố Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị cách chức, khai trừ khỏi Đảng vì bị buộc tội tham nhũng, lách luật hòng giúp vợ, bà Cốc Khai Lai, thoát tội giết hại doanh nhân người Anh Neil Heywood. Bà Cốc Khai Lai bị tuyên án tử hình nhưng bản án được hoãn thi hành trong 2 năm. Đây là vụ scandal chính trị lớn nhất Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Vụ việc được phát giác khi tháng 2-2012, Phó Thị trưởng Trùng Khánh, cựu Giám đốc Công an thành phố này, chạy đến Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, kể câu chuyện về tham nhũng và mưu sát để xin tị nạn. Ông Vương Lập Quân bị tuyên án 15 năm tù với tội bẻ cong pháp luật vì lợi ích cá nhân, tội đào tẩu, tội lạm dụng quyền lực và tội nhận hối lộ.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, ông Bạc Hy Lai được nêu ra như câu chuyện về quyết tâm chống tham nhũng.  

9) Apple ra mắt iPhone 5

Ngày 13-9, Apple chính thức công bố iPhone 5, mẫu điện thoại thông minh có kết nối 4G LTE. Đây là chiếc smartphone mỏng nhất và nhẹ nhất của Apple, với độ dày mỏng hơn 20% so với chiếc iPhone 4S và trọng lượng nặng chỉ 112 gam...

Vừa mới ra mắt, iPhone 5 đã đạt mức kỷ lục 2 triệu đơn đặt hàng trong vòng 24 giờ đầu tiên, phá vỡ kỷ lục 1 triệu đơn đặt hàng được thiết lập bởi chiếc điện thoại “tiền nhiệm” iPhone 4S. Đến ngày 28-9, iphone 5 được phát hành tại 22 quốc gia trên thế giới.

10) Tây Ban Nha lần đầu vô địch Euro 2 lần liên tiếp

Các cầu thủ Tây Ban Nha nâng cao chiếc cup vô địch Euro.  				               Ảnh: Reuters
Các cầu thủ Tây Ban Nha nâng cao chiếc cup vô địch Euro. Ảnh: Reuters

Chiến thắng 4-0 trước Ý ở trận chung kết Euro 2012 đã đưa Tây Ban Nha đi vào lịch sử khi trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch châu Âu. Chức vô địch này cũng giúp đoàn quân của huấn luyện viên Vicente del Bosque lập nên kỳ tích 3 lần giành 3 danh hiệu vô địch lớn liên tiếp (Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012).

Đăng quang tại Euro 2012 còn giúp Tây Ban Nha cân bằng số lần vô địch Euro với Đức. Cả hai nước đều đã 3 lần vô địch giải (Tây Ban Nha vào các kỳ Euro 1964, 2008 và 2012; còn Đức là Euro 1972, 1980 và 1996).

Trở về nước, các nhà vô địch đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người hâm mộ quê nhà.

;
.
.
.
.
.