Đông Nam Á đang xích lại gần Ấn Độ trong lúc căng thẳng giữa các nước này với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông vẫn chưa được tháo gỡ.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (thứ 7, từ phải sang) tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á tại Phnom Penh (Campuchia) vào tháng 11-2012. Ảnh: AP |
Hãng Reuters cho biết, Hội nghị cấp cao giữa những lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Ấn Độ sẽ diễn ra tại thủ đô New Delhi vào ngày 20 và 21-12. Người đứng đầu các Nhà nước hoặc các Chính phủ của ASEAN sẽ tham dự hội nghị, ngoại trừ Philippines cử Phó Tổng thống đến New Delhi.
Bên lề hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh sẽ chủ trì các cuộc đối thoại song phương với lãnh đạo Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Việt Nam và Campuchia. Tháng 11 vừa qua, tại Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia, ông Singh cũng đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Singapore, Thái Lan, Philippines, Brunei và Myanmar.
Theo Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid, hội nghị ở New Delhi lần này sẽ đánh dấu kỷ niệm 10 năm Hội nghị cấp cao giữa ASEAN và Ấn Độ, đánh dấu 20 năm hợp tác giữa ASEAN với nước này. Trong lúc Mỹ kêu gọi sự điềm tĩnh trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, các nước ASEAN hướng về Ấn Độ, muốn quốc gia vốn có ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á tham gia giải quyết tranh chấp. Reuters dẫn lời chuyên gia về các vấn đề chiến lược C. Raja Mohan tại Tổ chức Nghiên cứu Quan sát (Ấn Độ) nói rằng, ASEAN muốn New Delhi đóng vai trò lớn hơn.
Thực tế, Ấn Độ có ảnh hưởng đáng kể đối với Đông Nam Á. Giao dịch thương mại giữa Ấn Độ với ASEAN đạt đến 80 tỷ USD vào năm ngoái, so với con số 47 tỷ USD vào năm 2008. Đến năm 2015, giao dịch thương mại song phương dự kiến đạt 100 tỷ USD. Trên bàn nghị sự lần này, 2 bên sẽ ký kết một thỏa thuận thương mại tự do về dịch vụ và đầu tư, đồng thời bàn thảo về các vấn đề an ninh, năng lượng, kết nối văn hóa… Bên cạnh đó, các chuyến bay trực tiếp từ New Delhi đến Myanmar của Hãng Hàng không SpiceJet (Ấn Độ) sẽ bắt đầu trong một vài tuần tới.
Hội nghị dự kiến thông qua tuyên bố chung “Tuyên bố tầm nhìn Ấn Độ - ASEAN 2020”. Dự thảo tuyên bố cho hay, các nước cam kết củng cố hợp tác an ninh rộng lớn hơn nhằm đối phó những thách thức truyền thống và phi truyền thống như tội ác xuyên quốc gia và khủng bố. ASEAN và Ấn Độ thống nhất thúc đẩy hợp tác nhằm bảo đảm an ninh hàng hải, tự do đi lại và an toàn của các tuyến đường biển phù hợp với luật pháp quốc tế. Chính phủ Ấn Độ sẽ chi 390 triệu USD cho việc tăng cường an ninh bờ biển, trong đó có trang bị thêm tàu tuần tra và cải thiện mạng lưới radar.
Reuters cho rằng, việc lần đầu tiên Ấn Độ chủ trì cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và New Delhi sẽ thúc đẩy những nỗ lực trong xây dựng quan hệ với Đông Nam Á. Ngoại trưởng Khurshid cũng bày tỏ tin tưởng trong một vài tháng, hoặc vài năm tới quan hệ 2 bên sẽ được thúc đẩy đáng kể.
Trong một diễn biến liên quan, nhằm tránh gây căng thẳng với Trung Quốc, ông Khurshid khẳng định Ấn Độ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong tháng 12 này, Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ cho biết, nếu cần thiết thì lực lượng của ông sẵn sàng triển khai tàu đến Biển Đông để bảo vệ lợi ích khai thác dầu khí ở vùng biển này. Bởi lẽ, cùng với việc chống khủng bố, an ninh năng lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu với chính sách ngoại giao của Ấn Độ.
PHÚC NGUYÊN