.

Ba quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ từ chức

.

Ngày 19-12, ba quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải từ chức sau khi Ủy ban Xem xét trách nhiệm giải trình (ARB) điều tra vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi của Libya kết luận rằng công tác bảo vệ an ninh tại cơ sở ngoại giao này quá lỏng lẻo và có sự sai sót về quản lý.

a
Bà Charlene Lamb, Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các chương trình quốc tế. Ảnh: Getty

Giới truyền thông Mỹ cho biết hai trong số ba quan chức từ chức là Trợ lý Ngoại trưởng Eric Boswell, đứng đầu Cục An ninh trực thuộc; bà Charlene Lamb, Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các chương trình quốc tế.

Danh tính người thứ ba chưa được tiết lộ. Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận gì về những thông tin này.

Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Bill Burn thừa nhận rằng cuộc điều tra trên ARB đã "bắt đúng" những sai sót an ninh mang tính hệ thống và không thể chấp nhận được.

Ông Burn nhấn mạnh rằng Ngoại trưởng H.Clintơn và Bộ Ngoại giao ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi ngày 11/9 vừa qua.

Bình luận về các thông tin từ chức nói trên, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, bà Ileana Ros-Letinen cho biết điều này là chưa đủ mà toàn bộ chính quyền phải có trách nhiệm, đồng thời bà lưu ý rằng những kết luận mà ARB đưa ra đã chứng minh cho hàng loạt các sai phạm khiến bốn quan chức ngoại giao tại Lãnh sự quán Mỹ tại Libya bị thiệt mạng.

Một số nghị sỹ Cộng hòa khác đều nhấn mạnh rằng những sai sót của Bộ Ngoại giao là "vô cùng nghiêm trọng." Dự kiến, ngày 20-12, Ngoại trưởng H.Clintơn sẽ có phiên điều trần trước Quốc hội về vụ việc này.

Trước đó, các nghị sỹ Đảng Cộng hòa đã cực lực phản đối tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc Susan Rice sau khi bà Rice nhận định rằng vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quan Mỹ có liên quan đến một đoạn băng phỉ báng đạo Hồi được làm tại Mỹ.

Bà Rice, người đã từng được coi là ứng cử viên sáng giá cho chức Ngoại trưởng Mỹ, đã phải rút khỏi danh sách đề cử do vấp phải sự phản đối của dư luận Mỹ.

Trước đó, trong bản báo cáo mật gửi các nghị sỹ ngày 18-12, ARB, một cơ quan độc lập điều tra vụ tấn công nói trên, đã kết luận rằng những thất bại mang tính hệ thống trong quản lý tại Bộ Ngoại giao Mỹ đã dẫn tới tình trạng thiếu đảm bảo an ninh, khiến cơ quan ngoại giao của Mỹ bị tấn công.

Tuy nhiên, ARB cũng khẳng định không cá nhân quan chức Mỹ nào làm ngơ hay vi phạm các bổn phận của họ và không phát hiện thấy bất cứ nguyên nhân nào để kỷ luật.

Trái ngược với các báo cáo ban đầu, ARB cho rằng không có cuộc biểu tình nào bên ngoài lãnh sự quán và cho rằng vụ việc hoàn toàn do những kẻ khủng bố gây ra.

Để hoàn thành báo cáo mật trên, ARB đã tiến hành phân tích các đoạn băng hình, các thông tin tình báo và phỏng vấn nhiều kiểm soát viên.

Vụ tấn công đẫm máu nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi hồi tháng 9 vừa qua đã làm Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens cùng ba quan chức ngoại giao khác của Mỹ thiệt mạng.

Đảng Cộng hòa đã chỉ trích chính quyền của Tổng thống Barack Obama thiếu sự chuẩn bị để đối phó với tình huống như vậy cũng như không đưa ra phản ứng kịp thời.

Sau vụ khủng bố trên, Lầu Năm Góc đã điều động gấp lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tới Libya và Yemen để tăng cường an ninh cho các phái bộ ngoại giao Mỹ trong khu vực, đồng thời triển khai các tàu chiến ở ngoài khơi Libya.

TTXVN

;
.
.
.
.
.