Trong tháng 12 này, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có lãnh đạo mới, báo hiệu khả năng có những đổi thay ở châu Á trong năm 2013 về ngoại giao, nhất là trong quan hệ giữa Nhật Bản - Hàn Quốc, Nhật Bản - Trung Quốc bởi liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền; bên cạnh đó còn là sự thay đổi về tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ hai từ phải sang, hàng trước) và nội các ra mắt ngày 26-12. Ảnh: AP |
Quan hệ Nhật - Hàn - Trung
Tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản - Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và giữa Nhật Bản - Hàn Quốc đối với quần đảo Takeshima/Dokdo kéo dài suốt cả năm 2012. Căng thẳng có lúc lên đến đỉnh điểm, cụ thể khi Chính phủ Tokyo quốc hữu hóa 3/5 đảo Senkaku/Điếu Ngư và khi Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là ông Lee Myung-bak bất ngờ đến thăm đảo Dokdo.
Khi Đảng Dân chủ (DPJ) vừa giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Nhật Bản để trở lại nắm quyền, ông Shinzo Abe đã hàm ý muốn cải thiện quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc xung quanh tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Dù trong quá trình tranh cử, nhà lãnh đạo DPJ này khẳng định sẽ cứng rắn với Trung Quốc bởi theo ông, chủ quyền là vấn đề không thể thương lượng, nhưng những tín hiệu mới cho thấy, quan hệ Nhật - Trung sẽ có chiều hướng ấm áp hơn, xua tan “băng giá” trong năm 2012. Phía Trung Quốc cũng vừa kêu gọi Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe cải thiện quan hệ, nhưng Hãng Tân Hoa xã - hãng tin chính thống của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại cảnh báo “Tokyo chớ đùa với lửa”. Dù sao thì cũng cứ hy vọng gam màu sáng hơn, nhất là khi tân đại sứ Nhật tại Trung Quốc Masato Kitera tuyên bố rằng, nhiệm vụ số 1 của ông là cải thiện quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Trong bức tranh của châu Á năm 2012 còn có mảng tối khác, đó là tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Những hành động vô lý của Trung Quốc bị Philippines và cộng đồng quốc tế phản ứng gay gắt. Mới nhất là ngày 27-12, lần đầu tiên Trung Quốc cử tàu Hải tuần 21, dài 93,2m - tàu chuyên tuần tra biển có sân bay dài 21m, rộng 11m dành cho trực thăng ra Biển Đông.
Tuy nhiên, những gam màu sáng vẫn hiển hiện rất rõ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) muốn giải quyết tranh chấp bằng đối thoại đa phương, hướng đến xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC), đồng thời giải quyết căng thẳng bằng hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Dù ASEAN có lúc bế tắc khi lần đầu tiên trong lịch sử khối này không ra được thông cáo chung (tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 vào tháng 7 vừa qua ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia), nhưng tính đoàn kết của 10 thành viên vẫn bất di bất dịch. Thêm vào đó, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh, người đã kinh qua 7 năm ở LHQ trong vai trò đại diện quốc gia, lần đầu tiên sẽ làm Tổng Thư ký ASEAN (nhiệm kỳ 2013-2017). Như vậy, Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn khi có người đại diện cho 10 quốc gia tại các diễn đàn ngoại giao đa phương khu vực và quốc tế.
Tín hiệu không lạc quan về kinh tế
Bộ Tài chính Hàn Quốc vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm nay và năm 2013 của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo đó, tăng trưởng được dự báo còn 3% trong năm 2013, giảm so với ước tính 4% trước đó. Dự báo tăng trưởng năm 2012 dưới 2,1%, so với ước tính 3,3%.
Các hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc, vốn chiếm hơn ½ nền kinh tế của quốc gia này bị tác động bởi thị trường Mỹ và khối các nước sử dụng đồng euro đều giảm nhu cầu tiêu thụ. Song, quan chức Bộ Tài chính Choi Sang-mok cho rằng, tăng trưởng kinh tế vào năm tới sẽ tốt hơn năm nay.
Tại Nhật Bản, tân Thủ tướng Abe đã bổ nhiệm cựu Thủ tướng Taro Aso làm Bộ trưởng Tài chính với hy vọng bằng kinh nghiệm dày dạn của mình, người đứng đầu ngành Tài chính sẽ nỗ lực chống lạm phát, đưa nền kinh tế phục hồi sau thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân vào năm ngoái. Ông Abe cho rằng, Ngân hàng Nhật Bản đã phản ứng chậm khi đối phó với lạm phát - vấn đề làm trì trệ nền kinh tế của xứ sở hoa anh đào này trong nhiều năm. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, trong quan hệ đang căng thẳng với Trung Quốc, kinh tế Nhật Bản cũng không có nhiều triển vọng.
Với Ấn Độ, Thủ tướng Manmohan Singh ngày 27-12 cho rằng, con số tăng trưởng 8% cho kế hoạch 5 năm (2012-2017) là mục tiêu tham vọng. Theo Reuters, tăng trưởng GDP của Ấn Độ chỉ đạt dưới 6% trong 3 quý liên tiếp và tăng trưởng kinh tế trong năm tài chính sẽ kết thúc vào tháng 3-2013 dự kiến từ 5,7-6,9%. Đây là mức tăng trưởng chậm chạp nhất của cường quốc châu Á này kể từ năm 2002-2003 đến nay.
Trên thế giới, Ấn Độ là một trong những nước mới nổi thuộc nhóm BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Giới phân tích cho rằng, Chính phủ New Delhi phải nhanh chóng thực hiện hơn nữa những cải cách, bao gồm đẩy nhanh các dự án đầu tư, điều chỉnh hệ thống thuế và giảm thâm hụt ngân sách.
Căng thẳng luôn tồn tại giữa Hàn Quốc với CHDCND Triều Tiên trong năm 2012, đặc biệt khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa Unha-3, đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo. Song, tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye chủ trương xử trí ôn hòa trong chính sách ngoại giao với nước láng giềng phía Bắc. Đó là tuyên bố của bà lúc tranh cử, nhưng giới phân tích lại cho rằng, có thể bà sẽ theo chủ trương cứng rắn của người tiền nhiệm. Cuộc tập trận của quân đội Hàn Quốc trong 2 tiếng đồng hồ tại các đảo Baengnyeong và Yeonpyeong, gần khu vực tranh chấp với CHDCND Triều Tiên vào ngày 26-12 là dấu hiệu cho thấy Seoul sẵn sàng đối phó với các hành động từ phía CHDCND Triều Tiên. Hàng trăm người dân ở 2 đảo đã được sơ tán đến khu vực an toàn nhưng không có phản ứng nào của Bình Nhưỡng. |
VĨNH AN