.

Châu Á lo Trung Quốc gây hấn

.

Ấn Độ quan tâm đến sức mạnh hải quân của Trung Quốc đang gia tăng. Còn Singapore, Philippines bày tỏ quan ngại về kế hoạch của Bắc Kinh đòi kiểm soát tàu thuyền nước ngoài, xâm phạm tự do hàng hải trên Biển Đông.

Hải quân Ấn Độ diễn tập tại biển Ramakrishna ở Visakhapatnam, thuộc bang Andhra Pradesh.                                                                                                  Ảnh: Reuters
Hải quân Ấn Độ diễn tập tại biển Ramakrishna ở Visakhapatnam, thuộc bang Andhra Pradesh. Ảnh: Reuters

Ấn Độ tuyên bố sẵn sàng triển khai các tàu hải quân đến Biển Đông để bảo vệ lợi ích khai thác dầu khí của New Delhi tại vùng biển này. Reuters cho rằng, những diễn biến mới cùng với việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cáo buộc tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 dự báo căng thẳng leo thang trên Biển Đông.

Đô đốc hải quân Ấn Độ D.K Joshi nói rằng, New Delhi không tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng sẵn sàng hành động nếu cần thiết để bảo vệ lãnh hải và các lợi ích kinh tế ở khu vực. Phát biểu tại cuộc họp báo ở New Delhi, ông Joshi khẳng định nếu cần phải bảo vệ các lợi ích của Ấn Độ, như Công ty Videsh (Công ty khai thác dầu mỏ ngoài khơi của Tập đoàn Dầu mỏ và khí tự nhiên - ONGC), quân đội quốc gia này sẽ đến Biển Đông. Theo vị đô đốc này, hải quân Ấn Độ đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập để ứng phó với những tình huống bất ngờ. Ông Joshi mô tả việc hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc “thật sự ấn tượng” nhưng gây ra những quan ngại cho Ấn Độ. Từ năm 2001, Công ty Videsh thăm dò 3 lô dầu khí của Việt Nam và hiện có một lô bắt đầu sản xuất dầu.

Nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách ở New Delhi Brahma Chellaney cho rằng, phần lớn giao dịch thương mại của quốc gia Nam Á này đi qua Biển Đông nên Ấn Độ phải có quyền phòng vệ.

Mỹ, đồng minh của nhiều nước Đông Nam Á, cũng đã bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc chặn các tàu quốc tế tiến vào Biển Đông bất hợp pháp. Wu Shicun, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hải Nam lý giải, các tàu của Trung Quốc chỉ được phép lục soát và trục xuất tàu nước ngoài khi các tàu này hoạt động bất hợp pháp và đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, ông Wu Shicun không cho biết cụ thể các hoạt động bất hợp pháp là gì.

Trong khi đó, sau Philippines, Singapore - nơi có các cảng container nhộn nhịp thứ hai thế giới - cũng bày tỏ quan ngại về các nguồn tin rằng, cảnh sát Hải Nam của Trung Quốc sẽ chặn tàu trên Biển Đông kể từ ngày 1-1-2013. Trong một tuyên bố, Chính phủ Singapore thúc giục tất cả các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông kiềm chế các hành động khiêu khích.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định Manila sẽ kháng nghị ngoại giao chính thức về đạo luật mới của tỉnh Hải Nam và cho rằng, đạo luật này vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển.

Việt Nam triệu đại diện của Trung Quốc

Sáng 4-12, ông Trịnh Đức Hải, Vụ trưởng, Ban Nghiên cứu chính sách biển (Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao) cho biết, tàu Bình Minh 02 bị tàu cá Trung Quốc làm đứt cáp diễn ra trong lúc Trung Quốc đẩy mạnh chủ quyền ở Biển Đông như in hình đường lưỡi bò lên hộ chiếu, tỉnh Hải Nam thông qua đạo luật trị an trên biển có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Theo ông Hải, ngày 3-12, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu đại diện của Trung Quốc để trao công hàm phản đối một loạt sự việc trên.

Ông Hải cũng cho hay, thời gian gần đây, hàng loạt tàu cá của Trung Quốc, cao điểm có ngày lên đến 100 tàu, hoạt động trên vùng biển, gây cản trở hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam. Khi bị lực lượng chức năng của Việt Nam đẩy đuổi, các tàu này đã tổ chức thành hình tròn gồm 15 tàu để tự bảo vệ và cản trở sự truy đuổi. “Sau sự việc tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã có biện pháp thích hợp để tăng cường bảo vệ”, ông Hải nói.

Đây là lần thứ hai trong 18 tháng qua, tàu Bình Minh 02 gặp sự cố với tàu Trung Quốc.

(Theo VnExpress, NLĐO)

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.