Tháng 1-2013, Kuwait sẽ chủ trì hội nghị quốc tế nhằm giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở Syria trong lúc phương Tây vẫn muốn Tổng thống Bashar al-Assad từ chức.
Ông Lakhdar Brahimi (trái) trả lời báo giới sau cuộc gặp gỡ Tổng thống Bashar al-Assad. Ảnh: Reuters |
Sau khi gặp gỡ Tổng thống Assad tại thủ đô Damascus ngày 24-12, đặc sứ của LHQ và Liên đoàn Arab, ông Lakhdar Brahimi, cho biết tình hình ở Syria vẫn đáng lo ngại và chưa có dấu hiệu nào hướng đến giải pháp đàm phán nhằm kết thúc cuộc nội chiến. Hãng thông tấn Syria dẫn lời Tổng thống Assad nói rằng, Chính phủ của ông ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào vì lợi ích của người dân Syria mà bảo tồn được chủ quyền và độc lập của đất nước. Damascus gọi lực lượng nổi dậy là những kẻ khủng bố với sự hậu thuẫn của nước ngoài đang hủy hoại quốc gia này. Trong khi đó, phe đối lập lại cáo buộc rằng, lực lượng dưới sự lãnh đạo của ông Assad đã làm quá nhiều người thiệt mạng.
Trong chuyến công cán 2 ngày, ông Brahimi muốn tìm giải pháp để kết thúc khủng hoảng ở Syria, hoàn thành sứ mệnh của mình. Đây là lần thứ ba ông đến Damascus trên cương vị là đặc sứ của LHQ và Liên đoàn Arab. Ông và Tổng thống Assad đã bàn thảo về các giải pháp khả thi đối với cuộc khủng hoảng và bày tỏ hy vọng tất cả các bên ủng hộ giải pháp gắn kết người dân Syria. Song, chính vị quan chức ngoại giao này cũng thấy khó với vấn đề khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này. Lần gần đây nhất, ông Brahimi đến Damascus vào ngày 19-10.
Hãng Reuters cho biết, trong kế hoạch của ông Brahimi nhằm kết thúc khủng hoảng ở Syria, vai trò của Tổng thống Assad rất mờ nhạt. Phe đối lập bác bỏ mọi đề xuất hòa giải, ngoại trừ việc ông Assad từ chức và khẳng định sẽ không chấp nhận đối thoại.
Cũng theo Reuters, Tổng thống Assad đang chịu áp lực từ lực lượng nổi dậy và phương Tây. Con số 44.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài 21 tháng qua được các nhà hoạt động đưa ra nhưng vẫn chưa có thông tin chính thức xác nhận. AFP cho hay, riêng ngày 24-11 có ít nhất 119 người chết, trong đó có 38 dân thường.
Chính phủ của ông Assad còn bị quốc tế cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học sau khi có thông tin rằng khí độc xuất hiện trong vụ tấn công ở thành phố Homs. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov không tin điều này. Ông Lavrov nói rằng nếu Damascus dùng vũ khí hóa học để tiêu diệt lực lượng đối lập có vũ trang thì động thái này sẽ là cuộc “tự sát chính trị”. Quan chức ngoại giao của Nga cho biết, Nga kiểm tra mọi báo cáo về việc di chuyển vũ khí hóa học của Syria với Damascus để bảo đảm không có nguy cơ sử dụng các vũ khí này.
Trong lúc đó, Quốc vương Kuwait, Sheikh Sabah al-Ahmad al Sabah, cho hay hội nghị các nhà tài trợ Syria sẽ diễn ra vào cuối tháng 1-2013 theo lời mời của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon. Tuần trước, LHQ đã cam kết dành 1,5 tỷ USD để hỗ trợ hàng triệu người Syria - những nạn nhân của cuộc khủng hoảng - với chương trình hỗ trợ nhân đạo. Theo đó, LHQ muốn giúp đỡ 4 triệu người ở Syria và 1 triệu người dân nước này đang tị nạn ở 5 quốc gia khác cho đến tháng 7-2013.
Báo New York Times dẫn lời Joseph Abu Fadel, nhà phân tích chính trị người Lebanon, một trong những người ủng hộ Tổng thống Assad cho rằng, nhà lãnh đạo Syria tin ông đang bảo vệ đất nước, người dân, chế độ và chính bản thân ông chống lại Hồi giáo cực đoan cũng như sự can thiệp của phương Tây.
Hiện vẫn chưa rõ giải pháp nào sẽ dành cho Syria. Nếu Tổng thống Assad từ nhiệm thì số phận của ông sẽ như thế nào? Còn nếu ông tiếp tục giữ cương vị thì phe đối lập không chịu đàm phán và cuộc khủng hoảng có thể vẫn dai dẳng.
PHÚC NGUYÊN