.

Liên Hiệp Quốc kết thúc sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Đông Timor

.

(ĐNĐT) - Hôm nay, 31-12, Liên Hiệp Quốc đã kết thúc sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Đông Timor sau 13 năm có mặt tại quốc gia nhỏ nhất châu Á.

Sứ mệnh của 1.500 binh lính, cảnh sát sẽ kết thúc và những người gìn giữ hòa bình cuối cùng sẽ về nước. Trong khi đó, một nhóm khác gồm 79 người sẽ ở lại để hoàn tất những công việc cuối cùng.

Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu rút quân từ tháng 10, khi lực lượng cảnh sát của quốc gia này khôi phục lại nhiệm vụ bảo vệ an ninh sau cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội mới.

"Người dân Đông Timor và lãnh đạo nước này đã thể hiện dũng khí và quyết tâm vượt qua những thách thức lớn”, Finn Reske-Nielsen, người đứng đầu tích hợp của phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại Timor-Leste nói. “Mặc dù trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng đây là một dấu mốc lịch sử ghi nhận những bước tiến đáng kể”.

Việc rút quân không đánh dấu sự kết thúc mối quan hệ hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và nước này. “Sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình đã đi khỏi, chúng tôi mong muốn một giai đoạn mới trong mối quan hệ hợp tác này, tập trung vào sự phát triển kinh tế xã hội”, Reske-Nielsen nhấn mạnh.

Lực lượng cảnh sát Liên Hiệp Quốc  dự buổi lễ rút quân tại Dili ngày 31-10-2012 Ảnh: AFP
Lực lượng cảnh sát Liên Hiệp Quốc dự buổi lễ rút quân tại Dili ngày 31-10-2012 Ảnh: AFP

Các quan sát viên cho biết, chưa thấy dấu hiệu bạo lực sẽ tái diễn trong thời gian ngắn, tuy nhiên những cơ quan như cảnh sát, tòa án nước này vẫn còn yếu. Ngoài ra, còn có những mối quan ngại khác như nghèo đói, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và tốc độ dân số tăng nhanh có thể dẫn tới tình trạng bất ổn trong tương lai.

Liên Hiệp Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Đông Timor, tổ chức cuộc bầu cử năm 1999 kết thúc 24 năm phụ thuộc vào Indonesia, trong đó 183.000 người, chiếm 1/4 dân số, bị chết do nội chiến, chết đói hoặc bệnh tật. Liên Hiệp Quốc đã giám sát Đông Timor cho đến năm 2002 khi một chính phủ độc lập được tiếp quản.

Lực lượng gìn giữ hòa bình thiết lập trở lại vào năm 2006 khi một cuộc khủng hoảng chính trị làm ít nhất 37 người thiệt mạng và hàng chục ngàn người phải di tản.

                                                                                                                                                Lê Na (theo CNA, AFP)

 

;
.
.
.
.
.