.

Mỹ đã điều 4 tàu chiến tới khu vực Triều Tiên

.

(ĐNĐT) - Hải quân Mỹ đã đưa thêm hai tàu chiến tới Triều Tiên để theo dõi vụ phóng tên lửa của nước này, nâng tổng số tàu chiến của Mỹ tại khu vực chung quanh Triều Tiên lên 4 chiếc.

q
Tàu khu trục John S. MCCain. Ảnh: Getty

Mục đích điều thêm hai tàu chiến tới vùng biên chung quanh Triều Tiên là nhằm quan sát vụ phóng tên lửa, cũng như chuẩn bị đánh chặn tên lửa trong trường hợp nó đe dọa Nhật Bản hoặc Philippines.

Một quan chức giấu tên cho biết, tuần dương hạm tên lửa Shiloah và các tàu khu trục John S. MCCain, Benfold và Fitzgerald đang đóng vai trò “phòng ngừa thận trọng”.

Các tàu sẽ được bố trí  để mang lại cho các lực lượng một cái nhìn tổng thể xem Triều Tiên đang làm gì với các tên lửa của nước này.

Tại một cuộc họp báo ở  Lầu Năm Góc, Đô đốc Samuel Locklear, chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng việc di chuyển các tàu để có thể nắm tình hình một cách tốt nhất là hợp lý.

Ông Locklear còn bày tỏ quan ngại sâu sắc về mục đích và khả năng của tên lửa bởi đây là những câu hỏi mà Mỹ chưa trả lời được.

Ngày hôm qua, 10-12, Triều Tiên đã kéo dài thời gian dự kiến phóng tên lửa thêm một tuần, tới 29-12.

Đây là lần phóng thử thứ hai trong năm, một động thái mà Mỹ cho là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. LHQ đã cấm Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo sau hai vụ thử vũ khí hạt nhân 2006 và 2009.

Hiện Nhật Bản đã chuẩn bị để đối phó với vụ phóng bị nghi ngờ là vụ thư tên lửa mang đầu đạn của Triều Tiên. Các hệ thống chống tên Patriot hiện đại đã được lắp đặt tại 3 khu vực trong đó có Tokyo. Ngoài ra, Nhật còn đưa 3 tàu khu trục tới giám sát đường bay dự kiến của tên lửa.

Hôm 10-12, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho biết: “Vào thời điểm này, chúng tôi  đã sẵn sàng cho việc bảo vệ. Chúng tôi chưa từng thấy dấu hiệu khách quan nào cho thấy sẽ thay đổi sự sẵn sàng của chúng tôi”.

Hàn Quốc cũng sẽ điều hai tàu khu trục tới giám sát vụ thử tên lửa. Trong khi đó, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, rất lo lắng với vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đã thúc giục các quan chức NATO và Nga thuyết phục Triều Tiên hủy vụ phóng.

Theo AP, ngày 10-12, các bộ trưởng ngoại giao EU tuyên bố rằng, việc phóng tên lửa như kế hoạch của Triều Tiên là một hành động vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và cần phải có một phản ứng của cộng đồng quốc tế.

Một bản tuyên bố sau một ngày họp của các bộ trưởng EU tại Brussel nêu rõ: “EU nên coi việc phóng tên lửa là một  hành động khiêu khích, gây nguy hiểm cho các nỗ lực ngoại giao trong việc theo đuổi một nền hòa bình lâu dài và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực. Hành động này đáng phải nhận một phản ứng rõ ràng của cộng đồng quốc tế, kết hợp với những cân nhắc của HĐBA Liên Hiệp Quốc, kể cả các biện pháp chế tài.”

Quang Hiển (theo RT, AP)

;
.
.
.
.
.