Nhật Bản được đặt trong tình trạng báo động hoàn toàn. Hàn Quốc vẫn tiếp tục các chính sách thuyết phục CHDCND Triều Tiên ngừng phóng tên lửa khi Bình Nhưỡng tuyên bố hoãn kế hoạch này đến ngày 29-12.
Tên lửa Unha-3 được lắp đặt tại bãi phóng vệ tinh Sohae hồi tháng 4 vừa qua. Ảnh: AP |
Trước khi đến Văn phòng vào sáng 10-12, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nói rằng, Tokyo sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để phòng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Hãng Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto khẳng định Nhật Bản đang theo dõi sát sao diễn biến từ phía CHDCND Triều Tiên, bất chấp Bình Nhưỡng tuyên bố hoãn kế hoạch phóng tên lửa vốn gây nhiều tranh cãi. Tokyo cũng đã triển khai hệ thống phòng thủ để can thiệp và phá hủy nếu tên lửa của quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên rơi xuống lãnh thổ nước này.
Về phía Hàn Quốc, tại cuộc họp với các quan chức cấp cao ngày 10-12, Ngoại trưởng Kim Sung-hwan cho biết, Chính phủ Seoul sẽ tiếp tục tập trung chính sách ngoại giao để thuyết phục Bình Nhưỡng hoãn kế hoạch phóng tên lửa. Ông Kim Sung-hwan kêu gọi các quan chức trong cơ quan của ông đối phó tốt với tình huống nước láng giềng thật sự phóng tên lửa.
Một ngày trước đó, CHDCND Triều Tiên cho biết, có thể hoãn kế hoạch phóng tên lửa bởi một vài nguyên nhân. Các nhà chức trách Bình Nhưỡng không tiết lộ lý do, nhưng giới quan sát loại bỏ những đồn đoán về áp lực chính trị từ nước ngoài mà cho rằng, có thể do vấn đề kỹ thuật hoặc thời tiết. Trong những ngày này, bán đảo Triều Tiên có bão tuyết và nhiệt độ lạnh giá. Song, ngày 10-12, Hãng KCNA khẳng định việc hoãn phóng tên lửa do vấn đề về kỹ thuật và sẽ kéo dài thời gian tiến hành phóng đến ngày 29-12.
Trong lúc có những nghi ngại về tính xác thực của việc CHDCND Triều Tiên hoãn kế hoạch phóng tên lửa và đưa ra thời điểm mới, Reuters dẫn nguồn tin từ Báo Chosun Ilbo cho biết, hình ảnh vệ tinh của Hàn Quốc đã xác nhận phía Bình Nhưỡng đang khẩn trương thay thế tầng 3 của tên lửa đạn đạo tầm xa tại bãi phóng vệ tinh Sohae ở Tongchang-ri, phía Tây Bắc của quốc gia này. Từ đó dẫn đến quan ngại nhiều khả năng Triều Tiên sẽ phóng tên lửa đúng thời hạn đặt ra từ ngày 10-12 đến 22-12. Theo Chosun Ilbo, lý do khiến Triều Tiên hoãn phóng vệ tinh do trục trặc ở tầng thứ 3 của tên lửa là hoàn toàn chính xác.
Bình Nhưỡng vốn được cho là đang phát triển tên lửa liên lục địa có tầm bắn hơn 6.700km, có thể vươn đến Mỹ. Và những tiên đoán này làm phủ bóng lên những nỗ lực ngoại giao để giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Giới phân tích nói rằng, thời gian mà Bình Nhưỡng dự kiến phóng tên lửa lần này trùng với thời điểm kỷ niệm một năm ngày mất của nhà lãnh đạo Kim Jong-il (17-12-2011), đồng thời gần ngày bầu cử ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Kế hoạch của CHDCND Triều Tiên vấp phải sự chỉ trích của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Seoul, Tokyo và Washington đều xem sự kiện này là động thái ngụy trang của việc thử tên lửa tầm xa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Ít nhất một tàu khu trục Aegis của Hàn Quốc đã được triển khai trên Hoàng Hải để giám sát nhất cử nhất động của Bình Nhưỡng. Chong Chol-Ho, chuyên gia về vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Viện Sejong gần Seoul nói rằng, việc phóng tên lửa thành công có nghĩa rằng, CHDCND Triều Tiên có thể phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công lục địa Mỹ trong vòng 2-3 năm.
Theo AP, hiện chưa rõ có sự can thiệp về ngoại giao từ bên ngoài đối với CHDCND Triều Tiên hay không. Ngày 10-12 vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng tiến hành kế hoạch của mình.
PHÚC NGUYÊN