.

Nhật tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc

.

Tân Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông. Đây là phát biểu đầu tiên của ông Abe khi trở lại nắm quyền sau 3 năm làm đảng đối lập.

Ông Shinzo Abe sẽ đối mặt nhiều thách thức.                                 Ảnh: Reuters
Ông Shinzo Abe sẽ đối mặt nhiều thách thức. Ảnh: Reuters

Reuters cho biết, cựu Thủ tướng theo đường lối bảo thủ Shinzo Abe có cơ hội lần thứ hai lãnh đạo Nhật Bản sau khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện vào ngày 16-12. Theo đó, khi được chính thức công nhận, ông Abe sẽ trở thành thủ tướng thứ 7 của Nhật Bản trong 6,5 năm qua và sẽ thành lập nội các mới vào ngày 26-12 tới. Tuy nhiên, với sự trở lại lần này, ông Abe sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có mối quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc.

Trả lời báo giới tại Tokyo ngày 17-12, ông Abe khẳng định sẽ chấm dứt sự thách thức của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku / Điếu Ngư đang tranh chấp giữa 2 nước và không thể có thỏa hiệp về chủ quyền với Bắc Kinh. “Trung Quốc đang thách thức thực tế rằng quần đảo là lãnh thổ vốn có của Nhật Bản. Mục tiêu của chúng ta là phải ngăn chặn những thách thức ấy”, ông Abe nói. Tân Thủ tướng Nhật khẳng định không thể có thỏa hiệp về chủ quyền với Trung Quốc.

AP dẫn lời tân Thủ tướng nhấn mạnh, ông không có ý định làm xấu đi quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng muốn Chính phủ Bắc Kinh một lần nữa nhìn nhận lại quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi. Ông Abe được biết đến là người có quan điểm cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử của LDP, ông cũng đã thể hiện rõ quan điểm này với các tuyên bố về vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku / Điếu Ngư.

Ngay lập tức, hãng Tân Hoa xã của Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản nên duy trì các chính sách ngoại giao ôn hòa, thay vì “cố thỏa mãn lập trường cứng rắn”. Các nhà quan sát cho rằng, điều này dự báo quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ càng trở nên xấu đi trong thời gian tới.

Theo nhà phân tích Bruce Klingner thuộc Tổ chức Heritage (Mỹ), bầu cử Hạ viện ở Nhật phản ánh sự thắng thế của quan điểm bảo thủ tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong lúc những căng thẳng giữa Tokyo với các nước láng giềng trong những năm gần đây. Ông Klingner cho rằng, tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Hàn Quốc làm người dân Nhật Bản từ bỏ cảm giác muốn yên ổn thời hậu Thế chiến thứ hai để đứng lên vì chủ quyền đất nước (Nhật Bản và Hàn Quốc đang tranh chấp chủ quyền quần đảo Takeshima/Dokdo). Song, ông Klingner nhận định: Điều đó không đồng nghĩa với việc người dân Nhật muốn trở lại thời chủ nghĩa quân phiệt.

LDP của ông Abe đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện với 294/480 ghế, đủ để đảng này đứng ra thành lập Chính phủ. Đảng liên minh với LDP, New Komeito, giành được 31 ghế. Trong khi đó, Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Yoshihiko Noda chỉ giành được 57 ghế. Ông Noda cũng tuyên bố từ chức lãnh đạo DPJ và thừa nhận đảng của ông không xứng đáng với sự kỳ vọng của người dân. Thất bại này đã được dự đoán trước khi diễn ra tổng tuyển cử. Giáo sư Gerry Curtis tại Đại học Columbia ở New York nói rằng, đây là thất bại lớn của DPJ.

LDP từng nắm quyền suốt 50 năm ở Nhật Bản nhưng thất bại trước DPJ trong cuộc bầu cử vào năm 2009. Ông Abe (hiện 58 tuổi) từng làm Thủ tướng từ năm 2006-2007 nhưng từ chức vì lý do sức khỏe. Với chiến thắng lần này, ông nói rằng việc giành được nhiều ghế tại Quốc hội không có nghĩa là có được 100% sự tin tưởng của cử tri mà LDP phải nỗ lực để thực hiện những cam kết khi tranh cử.

Vấn đề hồi phục kinh tế, ngăn chặn đồng yen tăng giá cũng là một trong những thách thức với ông Abe. Song, nhà lãnh đạo này sẽ gặp khó vì Trung Quốc vốn là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản. Khủng hoảng ngoại giao giữa 2 nước đã, đang và sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc.

Reuters cũng cho hay, ông Abe sẽ bắt đầu chuyến công du đến Mỹ - chuyến công cán nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới vào đầu năm tới.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.