.
Thế giới tuần qua

Bức tranh mới ở Trung Đông

.

Từ New York (Mỹ) trở về Palestine vào ngày 2-12, Tổng thống Mahmoud Abbas được chào đón như “người hùng” bởi nỗ lực của ông tại Đại hội đồng LHQ đã mang lại đổi thay cho một “Nhà nước quan sát viên phi thành viên”. Sự kiên trì không mệt mỏi của ông Abbas trong việc đến LHQ đòi độc lập cho Palestine bắt đầu từ tháng 9-2011 đã được đền đáp mặc dù vấp phải biết bao khó khăn, trong đó có sự chống đối từ Mỹ và Israel.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (x) nhận lời chúc mừng tại Đại hội đồng LHQ.  						           Ảnh: AP
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (x) nhận lời chúc mừng tại Đại hội đồng LHQ. Ảnh: AP

Động thái của LHQ vào ngày 29-11 (sáng 30-11, giờ Việt Nam) là bước đi đáng kể nhất của cơ quan quốc tế này đối với Palestine kể từ năm 1947 đến nay. Năm 1947, Đại hội đồng LHQ phân chia Palestine thành một quốc gia Do Thái và một quốc gia Arab. Cũng kể từ đó, LHQ làm mọi việc để giúp Nhà nước Do Thái (Israel) trở thành thành viên của LHQ, nhưng không làm như thế với Nhà nước Arab (Palestine).

Năm 1993, người Palestine giành quyền kiểm soát lãnh thổ ở Bờ Tây cùng Dải Gaza. Nhà nước Palestine hiện tại đã được 132 nước trên thế giới công nhận, nhiều hơn cả số quốc gia công nhận Nhà nước Do Thái Israel. Việc đa số thành viên Đại hội đồng LHQ ủng hộ quy chế nâng cấp từ “thực thể quan sát” thành “Nhà nước quan sát viên phi thành viên” đối với Palestine là một ví dụ khác về sự công nhận của thế giới đối với lãnh thổ này. 138 nước đã bỏ phiếu thuận. Ngoài Mỹ và Israel, các nước bỏ phiếu chống là Canada, Cộng hòa Czech, Marshall, Micronesia, Nauru và Palau. Thực tế, tổng dân số của Palau, Nauru, Micronesia, Marshall chỉ có 180.000 người và tất cả đều phải dựa vào sự viện trợ của Mỹ. Còn Panama là nước duy nhất ở Nam Mỹ hoặc Trung Mỹ bỏ phiếu chống Nghị quyết. Trong khi đó, Cộng hòa Czech cũng là nước duy nhất ở châu Âu nói “không” với nỗ lực của ông Abbas.

Ngày 29-11 đi vào lịch sử Palestine. Thắng lợi ngọt ngào của Palestine tại Đại hội đồng LHQ không chỉ ghi dấu ấn một trang sử mới với dân tộc này mà còn mở ra hy vọng hòa bình cho cả khu vực Trung Đông - vốn được gọi bằng cái tên nóng bỏng: “chảo lửa”. Nhắc đến Trung Đông, người ta thường nghĩ đến cuộc xung đột dai dẳng giữa Palestine và Israel, hay cuộc tranh chấp giữa thế giới Arab - Hồi giáo với Israel - Do Thái giáo.  

Tuy nhiên, thắng lợi của Palestine cũng kéo theo những căng thẳng mới, khi Israel tuyên bố xây dựng 3.000 ngôi nhà mới ở khu định cư Do Thái trong khu vực chiếm đóng. Thứ trưởng Ngoại giao Israel Danny Ayalon thẳng thừng nói rằng, đây là kế hoạch trả đũa Palestine. Nhưng dù Tel Aviv cố chỉ trích quyết định của Đại hội đồng LHQ là động thái làm xói mòn tiến trình hòa bình thì cũng không thể thay đổi được sự ủng hộ của 138 nước dành cho Palestine.

Gần 500.000 người Israel, 2,5 triệu người Palestine đang sống ở Bờ Tây và Đông Jerusalem. Từ năm 2002, Israel đã đồng ý ngừng xây dựng các khu tái định cư theo kế hoạch lộ trình hòa bình, nhưng lại thường xuyên vi phạm cam kết. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã bị bế tắc từ 2 năm nay. Vì thế, hòa bình như ngủ im lìm ở Trung Đông và dường như khó được đánh thức. Song, khi áp dụng biện pháp trả đũa, Israel dường như quên mất rằng, Tel Aviv có thể sẽ phải đơn độc chống lại 138 nước khác và đặc biệt là khi Palestine đang nghiên cứu biện pháp gia nhập các cơ quan khác của LHQ thì luật chơi lúc này sẽ khác.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.