.
Thế giới tuần qua

Bước lùi của Tổng thống Ai Cập

.

Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi sáng sớm 9-12 đã bất ngờ hủy sắc lệnh vốn gây nhiều tranh cãi và đẩy quốc gia này vào khủng hoảng trong những tuần qua. Tuy nhiên, trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp vẫn diễn ra đúng kế hoạch vào ngày 15-12 tới.

Lực lượng ủng hộ Tổng thống Morsi xung đột với những người chống đối trên đường phố Cairo. 				                    Ảnh: AP
Lực lượng ủng hộ Tổng thống Morsi xung đột với những người chống đối trên đường phố Cairo. Ảnh: AP

Một phần yêu cầu của lực lượng đối lập đã được ông Morsi chấp nhận sau cuộc đối thoại kéo dài nhiều giờ vào ngày 8-12 tại dinh Tổng thống. Song, phe đối lập Tự do và những phe khác đã “tẩy chay” đối thoại bởi cho rằng, tiếng nói của họ không được lắng nghe.

Giới quan sát nhận định: Việc hủy bỏ sắc lệnh tập trung quyền lực vào tay Tổng thống và cho phép ông Morsi được quyền miễn trừ truy tố là bước lùi đáng kể. Ông Morsi muốn kết thúc khủng hoảng chính trị. Một vài lãnh đạo đối lập cũng nhìn nhận tích cực về bước đi này, cho rằng động thái của Tổng thống sẽ mở cánh cửa cho một giải pháp khả thi đối với khủng hoảng. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự nhượng bộ này có thể xoa dịu được căng thẳng tại Ai Cập. Sắc lệnh mà Tổng thống Morsi ban hành vào ngày 22-11 vừa qua đã khiến nhà lãnh đạo này bị chỉ trích là muốn thâu tóm quyền lực khi không cho phép các cơ quan tư pháp xem xét hủy bỏ những quyết định của ông. Đã có 6 cố vấn của Tổng thống từ chức. Giám đốc Đài truyền hình quốc gia Ai Cập cũng từ nhiệm để chống lại sắc lệnh.

Lực lượng Hồi giáo khẳng định trưng cầu dân ý vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch bởi Ai Cập cần hoàn tất tiến trình dân chủ sau khi ông Morsi nắm quyền và bởi Tổng thống không có quyền hoãn trưng cầu dân ý. Theo đó, nếu người dân bỏ phiếu nói “không” với dự thảo hiến pháp mới, một hội đồng lập hiến khác sẽ được thành lập trong vòng 3 tháng thông qua tổng tuyển cử. Sau đó, hội đồng sẽ viết hiến pháp mới trong 6 tháng. Nếu người dân bỏ phiếu thuận, Ai Cập sẽ bắt đầu quá trình xây dựng lại các thể chế dựa trên Hiến pháp mới để hướng đến sự ổn định.

Khủng hoảng chính trị sâu sắc đã và đang chia rẽ đất nước có 83 triệu dân, giữa những người Hồi giáo và những người cấp tiến, thế tục, với các nhân vật chủ chốt là cựu ứng cử viên Tổng thống Mohamed ElBaradei, Hamdeen Sabbahi và Amr Moussa. Phe đối lập cho rằng, dự thảo hiến pháp được đưa ra quá vội vã, không có sự tham vấn của các bên liên quan, cũng không đủ sức mạnh để bảo vệ quyền tự do chính trị, tôn giáo và quyền của phụ nữ.

Trong thế giằng co như hiện nay, điều mà nhiều người dân Ai Cập mong muốn không phải là việc ông Morsi từ chức, việc có trưng cần dân ý hay không, mà là sự ổn định và phục hồi kinh tế. Các cuộc biểu tình kéo dài với sự tham gia của hàng chục ngàn người trên khắp các đường phố từ ngày 22-11 đến nay làm người dân quốc gia Trung Đông này gợi nhớ đến cuộc biểu tình quy mô lớn lật đổ ông Hosni Mubarak vào đầu năm 2011. Riêng tuần qua, biểu tình đã làm 7 người thiệt mạng và hơn 640 người khác bị thương.

Chưa rõ trong tình hình hiện nay, quân đội Ai Cập có can thiệp hay không. Lực lượng vũ trang ở đất nước này chỉ đưa ra tuyên bố đầu tiên rằng: “Nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, sự an toàn của các cơ quan Nhà nước và để người dân có thể bày tỏ quan điểm mà không chịu cảnh bạo lực, quân đội Ai Cập khẳng định con đường đối thoại là cách tốt nhất và duy nhất để đạt được sự đồng thuận, lợi ích của quốc gia lẫn các công dân”. Tuyên bố không báo hiệu bất kỳ kế hoạch nào cho sự can thiệp chính trị hoặc triển khai quân đội trên diện rộng ở đường phố Cairo.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.