Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, không có phe nào chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Syria và khẳng định Trung Quốc cũng như Nga sẽ không thể thuyết phục được Tổng thống của quốc gia Trung Đông này, ông Bashar al-Assad, từ chức.
Các cuộc biểu tình chống Tổng thống Assad vẫn diễn ra trên đường phố Damascus. Ảnh: AP |
Ông Lavrov đã xác nhận quan điểm của Nga trong lúc trở về nước từ Hội nghị thượng đỉnh Nga - Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ). Vị quan chức ngoại giao này nhắc lại rằng, Nga từ chối yêu cầu của các nước trong khu vực muốn Mátxcơva gây sức ép buộc Tổng thống Assad từ chức hoặc cho ông này tị nạn. Song, các nước khác nếu muốn cho ông Assad tị nạn thì Nga hoan nghênh, riêng Mátxcơva nói “không” đối với việc tị nạn của Tổng thống Syria.
Hãng AP nhận định: Phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov tiếp nối các động thái minh chứng khoảng cách giữa Nga và Syria ngày càng xa. Nếu không thì ông Lavrov sẽ để ngỏ khả năng cho Tổng thống Assad “nơi trú ẩn an toàn” trong trường hợp Chính phủ của ông này bị lật đổ. Thậm chí, theo AP, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Nga có thể đang chuẩn bị cho một đất nước Syria không còn Tổng thống Assad trong bối cảnh phe đối lập đang gia tăng tấn công - một Syria thời hậu Assad. Suốt 4 tuần qua, các cuộc giao tranh lan dần đến sát thủ đô Damascus và lực lượng nổi dậy đã chiếm giữ hàng loạt căn cứ quân sự ở những khu vực này.
Nga vốn là đồng minh của Syria. Xung đột ở Syria bắt đầu từ tháng 3-2011 với cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Assad. Có nền tảng gia đình nắm quyền lãnh đạo Syria suốt 4 thập niên, nhưng ông Assad chịu sức ép dữ dội từ phương Tây và lực lượng nổi dậy trong nước khi cuộc nổi dậy của thế giới Arab lan đến nước ông. Xung đột ở Syria kéo dài 21 tháng, làm 44.000 người chết và rơi vào nội chiến với sự đối đầu giữa lực lượng Chính phủ và phe nổi dậy nhưng ông Assad vẫn kiên quyết không từ chức. Phương Tây liên tục kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt Syria. Song, Mátxcơva từng 3 lần phủ quyết các nghị quyết của LHQ do phương Tây khởi xướng nhằm gây sức ép với Chính phủ Syria. Vì vậy, phương Tây dù muốn lật đổ Tổng thống Assad cũng không có cách nào khác ngoài việc cáo buộc Nga và Trung Quốc che chắn cho nhà lãnh đạo Syria, đồng thời tìm cách thuyết phục Mátxcơva và Bắc Kinh thay đổi lập trường.
Tuần qua, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga sẽ không bảo vệ Tổng thống Assad bằng mọi giá và đưa ra nhận định chính quyền Syria có thể thất bại. Nga cũng đã điều 2 tàu chiến đến Địa Trung Hải để chuẩn bị khả năng phải sơ tán công dân Nga tại Syria.
Tuy nhiên, với những phát biểu trên, vẫn chưa rõ lập trường cụ thể của Nga trong việc giải quyết khủng hoảng ở Syria như thế nào, nhưng không thể phủ nhận khoảng cách giữa 2 đồng minh này đang ngày càng xa. Một số nhà phân tích cho rằng, quan điểm của Nga đang thay đổi. Trong khi đó, theo AP, Điện Kremlin cố không thể hiện rõ lập trường của họ đang thay đổi trong vấn đề Syria.
Tuần này, đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi sẽ đến Syria để hội đàm với Tổng thống Assad, các quan chức Chính phủ và một số đảng đối lập. Trong tháng 12 này, ông Brahim đã 2 lần gặp gỡ các nhà ngoại giao Mỹ và Nga nhưng các cuộc đối thoại đều kết thúc trong sự bất đồng về vấn đề Syria.
VĨNH AN