Ông Tập Cận Bình, người được cho là sẽ trở thành Chủ tịch nước tiếp theo của Trung Quốc thường thức khuya để xem các chương trình thể thao trên truyền hình. Trong khi đó, ông Lý Khắc Cường, người được cho là sẽ giữ cương vị Thủ tướng của Trung Quốc trong tương lai lại hâm mộ chuyên gia kinh tế học người Mỹ Jeremy Rifkin.
Nhiều thông tin trong các bản hồ sơ của hai nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã được công bố ở nước ngoài, nhưng lại chưa từng xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc. |
Theo hãng tin tài chính Bloomberg, trên đây là một vài chi tiết trong hồ sơ của hai vị lãnh đạo tương lai của Trung Quốc được hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã của nước này công bố ngày 24-12.
Nhiều chi tiết khác về đời tư các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Bắc Kinh cũng được hé lộ trong các bản hồ sơ này.
Trong đó, ông Tập Cận Bình, người tháng trước trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã phải lòng vợ ông, nữ ca sỹ hát nhạc dân tộc Bành Lệ Viên, ngay khi hai người gặp gỡ lần đầu vào năm 1986. Ông Lý Khắc Cường thì kết hôn với một nữ giáo sư về văn học Anh có tên là Trình Hồng.
Bản hồ sơ được Tân Hoa Xã đăng tải phác họa chân dung của ông Tập Cận Bình như một “con người của nhân dân”, còn ông Lý Khắc Cường là “một người đặt nhân dân lên trên hết”. Bloomberg đánh giá, động thái công khai hồ sơ của các nhà lãnh đạo này là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đưa hình ảnh các nhà lãnh đạo đến gần hơn với nhân dân trong bối cảnh khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc gia tăng và bất bình của người dân xung quanh vấn đề tham nhũng.
Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng công bố một loạt biện pháp chống tham nhũng mới, đồng thời hạn chế việc công chức tiêu xài tiền công quỹ cho các bữa tiệc chiêu đãi sang trọng, những buổi lễ long trọng, thậm chí là sử dụng hoa để cắm nhiều trong các dịp lễ lạt.
“Trước đây, các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc có sự cách biệt lớn với quần chúng, bởi thế, họ muốn thể hiện khía cạnh con người đời thường của mình để chứng minh rằng thế hệ lãnh đạo mới sẽ khác đi đôi chút, gần với nhân dân hơn… Việc này có thành công hay không còn chưa rõ…”, ông Bo Zhiyue, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiê cứu Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Hồ sơ của ông Tập Cận Bình mang tựa đề “Con người của nhân dân, chính khách của tầm nhìn” đã kể chi tiết về thời gian ông sống ở nông thôn và miêu tả về việc ông đã từng tự tay đóng một thùng đựng khí mê-tan ra sao.
“Đó có lẽ là nỗ lực đầu tiên của ông Tập Cận Bình nhằm thay đổi nông thôn Trung Quốc”, hồ sơ viết, đồng thời nhấn mạnh công việc hàng ngày của ông khi đó bao gồm làm việc trên đồng ruộng, chở than và thu gom phân.
“Vẻ bề ngoài cứng cỏi và tự tại của ông Tập Cận Bình trước đây cũng như hiện nay cho thấy tác phong đi sâu vào cuộc sống của ông”, Tân hoa xã viết khi miêu tả tấm hình chụp năm 16 tuổi của ông Tập Cận Bình.
Cũng theo hãng thông tấn này, ông Tập Cận Bình thích uống “một chút ít” trong các buổi tiệc với bạn bè, ham bơi lội, leo núi, thích xem các trận đấu bóng rổ, bóng đá và đấm bốc.
Nhiều thông tin trong các bản hồ sơ của hai nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã được công bố ở nước ngoài, nhưng lại chưa từng xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc. Bản hồ sơ của ông Tập Cận Bình trên Tân Hoa Xã đề cập tới con gái ông, cô Tập Minh Trạch. Vợ chồng ông Tập Cận Bình hy vọng con gái mình sẽ sống trung thực. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với chính sách chuẩn bấy lâu nay của Trung Quốc xem chi tiết về đời tư của các vị lãnh đạo như là bí mật quốc gia.
Nếu tìm kiếm tên của phu nhân Thủ tướng Ôn Gia Bảo là bà Trường Bồi Lập và con trai của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là Hồ Hải Phong trên công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc, sẽ xuất hiện một thông báo rằng “theo các quy định về luật pháp và chính sách, một số kết quả tìm kiếm không được hiển thị”.
“Đây là một tín hiệu cải cách đáng chú ý. Các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đang có bước đi hướng tới sự minh bạch. Cải cách chính trị phải được bắt đầu từ trên xuống”, nhà bình luận Cao Lin thuộc báo China Youth Daily, nhận xét trên mạng Weibo.
Theo hồ sơ, Thủ tướng tương lai của Trung Quốc Lý Khắc Cường, thường đọc các tác phẩm của Anh mỗi khi rảnh rỗi và theo dõi sát sao các diễn biến kinh tế thế giới. Khi chuyên gia kinh tế Rifkin, Chủ tịch của tổ chức Foundation on Economic Trends, viết cuốn sách “The Third Industrial Revolution” (tạm dịch: “Cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba”), ông Lý Khắc Cường đã yêu cầu các nhà nghiên cứu thuộc Chính phủ Trung Quốc chú ý.
Thậm chí, ông Lý Khắc Cường còn chú ý tới một bài báo về khí tự nhiên đông lạnh và chỉ đạo Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc theo dõi nghiên cứu này.
VnEconomy