.

Trung Quốc tiếp tục gây ra lo ngại

.

Tuyên bố vô lý của Trung Quốc về việc cảnh sát tỉnh Hải Nam “lên tàu, thu giữ và trục xuất các tàu xâm phạm trái phép vùng biển của tỉnh” kể từ ngày 1-1-2013 tiếp tục vấp phải phản ứng của nhiều nước.

Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc tại thành phố Makati.  Ảnh: Reuters
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc tại thành phố Makati. Ảnh: Reuters

Ngày 5-12, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke nói rằng, Washington đang làm rõ tuyên bố gần đây của Bắc Kinh về việc cảnh sát tỉnh Hải Nam sẽ kiểm soát tàu thuyền đến Biển Đông - vùng biển đang tranh chấp giữa cường quốc châu Á này với một số quốc gia khác trong khu vực.

Trao đổi với Reuters bên lề một diễn đàn đầu tư ở Bắc Kinh, đại sứ Mỹ Locke cho biết, tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra vào tuần trước vẫn chưa nêu rõ phạm vi và mục đích của việc kiểm tra. Theo đại sứ Locke, điều đầu tiên là Mỹ muốn xác định phạm vi, mục đích của các tuyên bố này.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino trước đó khẳng định, đạo luật mới của Trung Quốc vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Ông Aquino đã yêu cầu Ngoại trưởng Albert Del Rosario xác minh kế hoạch của Bắc Kinh và khi mọi việc được làm rõ, Chính phủ Manila sẽ có phản đối chính thức.

Tỉnh Hải Nam quyết định để cảnh sát địa phương được phép “lên tàu, thu giữ và trục xuất các tàu xâm phạm trái phép vùng biển của tỉnh”. Wu Shicun, người đứng đầu cơ quan cảnh sát tỉnh Hải Nam khăng khăng rằng, việc Trung Quốc kiểm soát tàu thuyền tiến đến Biển Đông một cách bất hợp pháp không ảnh hưởng đa số các tàu thuyền khác ra vào Biển Đông (!?). Tuy nhiên, Tổng Thư ký sắp mãn nhiệm của ASEAN, ông Surin Pitsuwan khuyến cáo, kế hoạch của Trung Quốc có thể châm ngòi cho các cuộc xung đột hải quân và làm ảnh hưởng đến nền kinh tế trong khu vực.

Trong khi đó, theo báo Philippine Daily Inquirer,  Cục Hải quan của Philippines bắt đầu ngăn chặn những người Trung Quốc dùng hộ chiếu có in hình “đường lưỡi bò” trên Biển Đông (Philippines gọi là Biển Tây Philippines). Philippines cũng là một trong những nước lên tiếng chỉ trích gay gắt Trung Quốc khi Bắc Kinh thể hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.

* Trong một diễn biến liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền, Thượng viện Mỹ đã thông qua điều luật sửa đổi của Dự luật Ủy quyền quốc phòng năm 2013, trong đó công nhận quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo đang tranh chấp với Trung Quốc (Nhật Bản gọi là quần đảo Senkaku, Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư), đồng thời tái khẳng định cam kết nghĩa vụ an ninh đối với Tokyo tại quần đảo này theo tinh thần của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino vừa bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Erlinda Basilio (68 tuổi) làm tân đại sứ tại Trung Quốc, thay bà Sonia Brady (71 tuổi), người bị đột quỵ ở Bắc Kinh vào tháng 8 vừa qua.

Tại cuộc họp báo ngày 5-12, Tổng thống Aquino cho biết, việc bà Basilio được bổ nhiệm nhằm gửi tín hiệu ngoại giao đến Trung Quốc rằng, Manila coi trọng quan hệ song phương với Bắc Kinh.

Trước khi làm Thứ trưởng Ngoại giao, bà Basilio từng làm đại sứ tại Thụy Điển và đại diện thường trực của phái bộ Philippines tại LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ).

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.