.

Áp lực với ông Maliki

.

Các vụ bạo lực ở Iraq giảm trong năm 2012 nhưng Thủ tướng Nouri al-Maliki đang chịu nhiều áp lực trước các cuộc tuần hành chống Chính phủ của người Sunni.

Biểu tình chống Chính phủ người Shiite ở Fallujah, phía Tây Baghdad.  Ảnh: AP
Biểu tình chống Chính phủ người Shiite ở Fallujah, phía Tây Baghdad. Ảnh: AP

Thủ tướng Maliki cảnh báo ông sẽ không khoan dung với các cuộc tuần hành của người Sunni chống lại Chính phủ. Song, nhà lãnh đạo người Shiite vẫn nhượng bộ trước yêu cầu của lực lượng biểu tình đòi phóng thích một số nữ tù nhân.

Hãng Reuters cho biết, hàng ngàn người Sunni đã đổ xuống đường phố Iraq trong hơn một tuần qua để chống lại Thủ tướng Maliki, cáo buộc ông phân biệt đối xử với giáo phái của họ. Những người biểu tình và một số thành viên trong Chính phủ chia sẻ quyền lực giữa người Shiite, Sunni và người Kurd cáo buộc Thủ tướng thâu tóm quyền lực nên liên tục kêu gọi ông từ chức. Vụ việc đang đe dọa hủy hoại thỏa thuận chia sẻ quyền lực mà trước đó vốn khó khăn lắm mới đạt được. Trong lúc này, Tổng thống chủ trương ôn hòa Jalal Talabani vẫn đang ở Đức để điều trị bệnh sau một cơn đột quỵ.

Biểu tình bùng phát tại tỉnh Anbar, thành trì của người Sunni ở phía Tây Iraq, trước khi lan đến thành phố Mosul và Samarra. Những người biểu tình hiện phong tỏa các con đường then chốt dẫn đến Jordan và Syria, phong tỏa cả các đường phố ở Fallujah, phía Tây Baghdad.

Trả lời phỏng vấn trên một đài truyền hình ngày 1-1, Thủ tướng Maliki nói rằng, các cơ quan nước ngoài đứng sau những vụ biểu tình, đồng thời gọi động thái của người Sunni là vi hiến.

Theo Reuters, những người biểu tình yêu cầu chấm dứt việc cộng đồng Sunni bị gạt ra lề. Cộng đồng này vốn chiếm ưu thế ở Iraq cho đến khi Tổng thống người Sunni Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003. Những người biểu tình muốn Thủ tướng Maliki bỏ luật chống khủng bố. Họ cho rằng, ông đã sử dụng luật này để truy bắt các đối thủ chính trị như Phó Tổng thống người Sunni Tareq al-Hashemi. Ông Hashemi đã chạy khỏi đất nước sau khi bị cáo buộc liên quan đến các phần tử khủng bố và bị kết án tử hình vắng mặt.

Sự tức giận của người Sunni càng dấy lên khi quân đội trung thành với ông Maliki bắt giữ các nhân viên bảo vệ của Bộ trưởng Tài chính Rafaie al-Esawi, một trong số ít gương mặt đại diện cho người Sunni tham gia nội các.

Có nguồn tin cho biết, Thủ tướng Maliki đã đồng ý một trong những yêu cầu của phe biểu tình, cụ thể là sẽ ban bố lệnh ân xá cho tất cả phụ nữ bị bắt giữ. Trong số 920 nữ tù nhân, khoảng 700 người hội đủ những điều kiện để được phóng thích. Giáo sĩ người Shiite Moqtada al-Sadr, đối thủ chính trị của ông Maliki, bày tỏ sự ủng hộ các yêu cầu của phe biểu tình và nói rằng, Iraq sẽ không đứng ngoài những đổi thay trong khu vực, chịu ảnh hưởng của phong trào nổi dậy ở thế giới Arab.

Theo AFP, bạo lực diễn ra ở Iraq trong năm qua giảm nhưng các phần tử nổi dậy có khả năng làm dấy lên làn sóng tấn công. Các nhà quan sát cảnh báo quốc gia Trung Đông này vẫn trong tình trạng “chiến tranh ở mức thấp”.

Tổng cộng 144 người thiệt mạng trên khắp Iraq trong tháng 12-2012, trong đó có 40 nhân viên cảnh sát, 15 binh sĩ quân đội, và 360 người khác bị thương. Riêng ngày 31-12-2012, các vụ bắn nhau và đánh bom ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam đã làm 28 người chết, 96 người khác bị thương. Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về những vụ tấn công trong ngày cuối năm. Tính cả năm 2012 có 2.174 người chết, vẫn thấp hơn so với năm trước đó.

Mỹ đã rút quân khỏi Iraq vào tháng 12-2011, để lại khoảng 150 binh sĩ tham gia hỗ trợ huấn luyện cho lực lượng an ninh của Baghdad. Giới phân tích cho rằng, áp lực với ông Maliki trong lúc này thật không nhỏ.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.