(ĐNĐT) - Tại thời điểm này, khi cả 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng có những nhà lãnh đạo mới, triển vọng châu Á trong năm 2013 lại không mấy khả quan.
Lần đầu tiên, sự thay đổi lãnh đạo tại 3 quốc gia này diễn ra gần như đồng thời. Mỗi nhà lãnh đạo mới đều muốn thiết lập vai trò lãnh đạo mang đậm dấu ấn riêng ở khu vực châu Á. Để làm được điều đó, họ không thể biểu lộ bất kỳ điểm yếu nào hoặc để bị xem là mềm yếu. Để thể hiện bản thân ở nước sở tại cũng như trên chính trường thế giới, có lẽ họ sẽ phải làm những việc mà bình thường họ sẽ không làm.
Người ta hy vọng, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Guean-hye sẽ tổ chức được một cuộc đối thoại ba bên càng sớm càng tốt. Nếu không, tình hình ở khu vực Đông Bắc Á có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là tranh chấp hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Một điều chắc chắn rằng, mối quan hệ Trung - Nhật là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong mối quan hệ này cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình xây dựng cộng đồng và hội nhập kinh tế đang diễn ra trong khu vực và khối ASEAN.
Từ trái qua: Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Park Guean-hye, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. |
Trước đây, khối ASEAN từng cho rằng sự va chạm giữa hai cường quốc kinh tế châu Á này là lẽ đương nhiên, với quan niệm rằng các cuộc tranh chấp hay thái độ thù địch sẽ chấm dứt một khi quan hệ hợp tác kinh tế bị ảnh hưởng. Chỉ vài tháng kể từ khi tranh chấp các đảo trên Biển Hoa Đông tái bùng phát, cả hai nước đã đưa ra những lời lẽ gay gắt.
Điều tồi tệ hơn là, những tác động tiêu cực lên các hoạt động giao dịch kinh tế giữa hai nước. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc sụt giảm mạnh, các nhà máy và cửa hàng tại Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa do làn sóng tâm lý chống Nhật của người dân địa phương. Khi căng thẳng tăng cao, nhiều công ty Nhật Bản đã ngừng hoạt động tại Trung Quốc và từ đó gây ra tình trạng thất nghiệp đối với lao động nước này. Trong tình huống này, không quốc gia nào có thể hưởng lợi từ các cuộc tranh cãi như vậy.
Do đó, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nhật Bản phải sớm nhận ra rằng, nếu cuộc tranh chấp lãnh thổ tiếp tục không suy giảm, thì sẽ dẫn đến thảm họa cho cả hai nước và cả khu vực. Liên kết kinh tế của hai quốc gia này là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của khu vực. Nếu không có sự hợp tác kinh tế đó, cái gọi là "phép lạ kinh tế châu Á" sẽ không mang ý nghĩa gì cả. Tình hình tranh chấp ngày càng xấu đi cũng sẽ là một nhân tố gây mất ổn định nền kinh tế toàn cầu. Tại thời điểm này, suy thoái kinh tế châu Âu không gây ra một cuộc khủng hoảng cho các thị trường trên toàn thế giới do sự kết hợp sức mạnh của hai nền kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản.
Hàn Quốc cũng cần phải hòa giải với Nhật Bản. Tranh chấp trên quần đảo Takeshima/Dohdo đã đi quá xa. Với một nhà lãnh đạo mới, Seoul cần sớm tìm cách cải thiện mối quan hệ với Nhật Bản. Cả hai đều là những đồng minh truyền thống của Mỹ. Theo quan điểm của Washington, có cả hai đồng minh đang bất đồng quan điểm với nhau thì quả là không tốt cho sự hợp tác chiến lược. Trong thực tế, nếu thừa nhận lịch sử cay đắng với Nhật Bản thì sẽ bất lợi cho Hàn Quốc. Trong trường hợp này, cả Bắc Kinh và Seoul đang cùng chống đối các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Nhật Bản. Một liên minh như vậy, ngay cả tạm thời, cũng không được khuyến khích.
Tương lai của châu Á sẽ bị hủy hoại nếu Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục cảm thấy “khó chịu” về nhau. Các nhà lãnh đạo 3 nước này phải tìm cách phá vỡ bế tắc và xây dựng lại cầu nối cho những quan hệ hợp tác. Đó chính là lối thoát duy nhất. Nếu không, sẽ quá vội vàng khi cho đây là "thế kỷ châu Á".
Vĩnh Thụy (Theo The Nation)