.

Giới chức quân đội Thái Lan dính líu nạn buôn người

.

(ĐNĐT) - Ngày 21-1, Chính quyền Thái Lan cho biết, họ đang điều tra các cáo buộc cho rằng, giới chức quân đội có liên quan tới việc buôn các thuyền nhân người Rohingya di tản do bạo lực tại Myanmar.

Những người Hồi giáo Rohinya lên bờ sau khi bị chặn tại Teknaf (con sông biên giới giữa Bangladesh và Myanmar) hôm 18-6-2012. Ảnh: AFP
Những người Hồi giáo Rohinya lên bờ sau khi bị chặn tại Teknaf (con sông biên giới giữa Bangladesh và Myanmar) hôm 18-6-2012. Ảnh: AFP

Những người Rohingya tới Thái Lan có nguy cơ rơi vào tay những kẻ buôn người. Bọn chúng đòi số tiền lớn để chở họ tới Malaysia, những người không đủ tiền trả sẽ bị ép buộc lao động để trả chi phí.

“Đã có các quan chức quân đội tham gia, trong đó có một số là chỉ huy các đơn vị địa phương”, một quan chức tình báo cấp cao Thái dấu tên cho biết.

Theo quan chức trên, thường thì những người Rohingya cập bờ tại bờ biển Andaman, tây nam Thái Lan, nhưng gần đây, người ta phát hiện họ tại tỉnh Songkhla, dọc biên giới với Malaysia, ở phía kia của bán đảo Thái Lan.

“Họ không thể tới được đó nếu không có quan chức chính phủ dính líu. Việc buôn người cần có sự tham gia của những kẻ môi giới. Họ phải trả từ 1.350 đến 2.000 USD để tới Malaysia bằng đường bộ”, quan chức trên cho biết.

Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Thái, Paradorn Pattanathbutr cho biết, hiện quân đội đang điều tra các cáo buộc trên, vốn xuất hiện đầu tiên trên truyền thông, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy bằng chứng về sai phạm.

Được Liên Hiệp Quốc mô tả là nhóm người thiểu số bị ngược đãi nhất trên thế giới, người Rohingya đã có nhiều năm bị đẩy ra các nước láng giềng như Bangladesh và gần đây, họ tới Malaysia ngày càng nhiều, với đa phần là người Hồi giáo.

Myanmar nhìn nhận gần 800.000 người Rohingya là những người Bangladesh nhập cư trái phép và từ chối quyền công dân của họ. Vụ bùng phát sắc tộc tại bang Rakhine, phía tây Myanmar kể từ tháng 7-2012 đã làm bùng lên làn sóng di cư của người Rohinya, chủ yếu là tới Malaysia.

Liên Hiệp Quốc ước tính, khoảng 13.000 thuyền nhân đã từ bỏ Myanmar và Bangladesh trong năm 2012. Nhiều người đã chết trong các chuyến hành trình đi biển. Hàng trăm người bị bắt giam tại Thái Lan trong những tuần gần đây.

Quang Hiển (theo CNA) 

;
.
.
.
.
.